Năm 1950, khi đang học tại trường Quốc học Khải Định ở Huế, Nguyễn Văn Hường theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường tham gia kháng chiến bảo vệ đất nước. Được phân công vào làm việc tại Tổ Nghiên cứu Nấu thép, Viện nghiên cứu Quân giới (nay là Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự) ở Việt Bắc, tuy chưa có bằng tú tài nhưng Nguyễn Văn Hường đã tự tìm tòi, học tập và nghiên cứu thành công Máy đo độ giật của súng, quy trình Nấu thép bằng lò điện. Đây là những thành công bước đầu trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học của ông. Nhận thấy khả năng cũng như sự ham mê học hỏi của Nguyễn Văn Hường, đồng chí Trường Chinh đã đề xuất cử ông đi học Đại học Thủy lợi ở Vũ Hán, Trung Quốc năm 1953. Ông hoàn thành xuất sắc khóa học với luận văn tốt nghiệp: "Công trình thủy công và thủy điện". Năm 1964, sau khi bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ ở Liên Xô với đề tài: “Lý luận xoắn và ổn định không gian của hệ phức tạp”, ông về nước và công tác tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Tại đây, ông Đặng Hữu và các giảng viên của Trường được Bộ Giao thông vận tải phân công cùng tham gia nghiên cứu làm Cầu dây cáp Cà Tang nhằm đảm bảo cho các phương tiện vượt sông an toàn phục vụ thời chiến. Đây là công trình nghiên cứu mà GS.TS Nguyễn Văn Hường rất tâm đắc. Từ thực tế khi nghiên cứu xây dựng cây cầu này, ông đã viết một số bài nghiên cứu khoa học: Lý luận về ổn định của hệ treo và cầu treo trên dây mềm đàn hồi; Lý luận và ổn định của các hệ dây mềm đàn hồi; Vấn đề ổn định của trụ trên phao chìm neo bằng dây mềm đàn hồi.
PGS.TS Hoàng Thị Bích Ngọc kể về những đóng góp của người bạn đời – GS.TS Nguyễn Văn Hường
Với khả năng của mình, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hường được tín nhiệm giao phó các trọng trách: Chủ nhiệm khoa Khoa học cơ bản, kiêm Trưởng Bộ môn Cơ học Kết cấu, Hiệu Phó trường Đại học Xây dựng Hà Nội; Vụ trưởng Vụ Đại học – Bộ Đại học; Đại biểu Quốc hội Khóa IV. Dù ở cương vị, vai trò nào, ông đều chuyên tâm để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
GS.TS Nguyễn Văn Hường đã đi xa gần 20 năm, nhưng ký ức về người chồng tài giỏi, hết mực yêu thương vợ con thì luôn còn mãi trong trái tim của người vợ hiền – PGS.TS Hoàng Thị Bích Ngọc.
Những nét phác họa ban đầu về GS.TS Nguyễn Văn Hường do gia đình cung cấp đã giúp chúng tôi tiếp tục đi sâu nghiên cứu về lịch sử cuộc đời ông.
Nguyễn Thị Phương Thúy