Gìn giữ di sản truyền thống gia đình
“Chúng tôi may mắn được học hành và ba anh em ruột đều được phong Giáo sư, đều trở thành những nhà khoa học có đóng góp nhất định. Đó là nhờ truyền thống gia đình ham học hỏi. Đó cũng là một di sản mà tôi luôn cố gắng giữ gìn”. GS.TS Phan Cự Tiến đã tâm sự như vậy trong buổi làm việc với Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam ngày 21-10-2015.
GS.TS Phan Cự Tiến là một nhà khoa học trong lĩnh vực địa chất mà Trung tâm đã tiếp xúc và nghiên cứu, sưu tầm tư liệu. Ông cũng là người em trong gia đình Phan Cự ở Quỳnh Lưu, Nghệ An có 3 anh em ruột là Giáo sư, tiến sĩ, viện sĩ. Trước đây, nghiên cứu viên đã tiếp xúc và sưu tầm tư liệu về anh trai cả của ông là GS.TS Phan Cự Nhân, chuyên ngành sinh học. Nhưng một thời gian ngắn sau đó thì GS Nhân đột ngột qua đời nên chúng tôi chưa có được nhiều thông tin về cuộc đời ông.
Sau đó, gia đình GS văn học Phan Cự Đệ cũng đã trao tặng một số tài liệu cho Trung tâm. Sau khi GS Phan Cự Nhân và GS Phan Cự Đệ qua đời, mọi di sản của gia đình đều do GS Phan Cự Tiến gìn giữ. Nhưng vài năm nay, GS Phan Cự Tiến sức khỏe yếu và trí nhớ cũng kém dần nên công việc này trở nên khó khăn hơn. Để tiếp tục những nguyện vọng của gia đình cũng như mong muốn của bản thân và anh trai lúc sinh thời, GS Phan Cự Tiến đã sắp xếp làm việc với Trung tâm.
GS.TS Phan Cự Tiến giới thiệu một số tài liệu với nghiên cứu viên Trung tâm, 10-2015
Trong buổi tiếp xúc, ông cũng chia sẻ rằng ông rất muốn lưu giữ lại những tài liệu của cả ba anh em trong gia đình để cho con cháu sau này biết về truyền thống gia đình. Nhưng vì điều kiện khó khăn, thiếu nghiệp vụ bảo quản;thêm vào đó, nhiều người cũng muốn khai thác những tài liệu liên quan nên ông muốn có một tổ chức đứng ra làm giúp việc đó. Và ông đặt niềm tin vào Trung tâm với sự lãnh đạo của PGS.TS Nguyễn Văn Huy. Như ông nói: Truyền thống gia đình luôn có một vai trò quan trọng đối với sự trưởng thành và phát triển của một con người. Với một gia đình có nhiều người thành đạt thì truyền thống trở thành một di sản và cần phải gìn giữ, phát huy. Nhưng nếu chỉ gia đình thực hiện thì không hiệu quả mà cần có một tổ chức có nghiệp vụ, có chuyên môn để làm việc này.
GS Phan Cự Tiến cũng khẳng định thêm rằng, trong thời gian tới, khi sức khỏe cho phép ông sẽ tiếp tục làm việc và trao gửi những tài liệu liên quan đến 3 anh em ông cho Trung tâm lưu giữ.
Tin khác
- Nước ta có gang từ bao giờ?
- Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam: Hành trình 2 năm truyền cảm hứng
- GS.TSKH Lê Đức An: Trọn đời với địa lý, địa mạo Việt Nam
- Thầy giáo U90
- Cuốn sách gắn với nhà nông
- Tọa đàm Quyền và trách nhiệm đối với tài liệu lưu trữ
- Vai trò của nhà thiết kế - chủ đề tọa đàm số 6 tổ chức tại MEDDOM
- Học trong lò bánh mỳ
- Người lật tìm “tử ngữ” văn chương
- Khoa học và cuộc sống