GS Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) là một nhà khoa học rất tâm huyết với công việc của Trung tâm. Ông đã tặng toàn bộ khối di sản quý với hơn 8000 tài liệu về lịch sử cuộc đời của mình cho Trung tâm lưu giữ. Không chỉ vậy, GS Phong Lê cũng đã dành nhiều thời gian và sức lực chia sẻ những thông tin, những kỷ niệm về cuộc đời mình cho nghiên cứu viên. Buổi làm việc thứ 7 với Trung tâm, GS Phong Lê đã chia sẻ đầy cảm xúc về quá trình đến với Viện Văn học và những tháng ngày làm quản lý trên cương vị Viện trưởng.
Từ một chàng trai mới ra trường hăm hở lên thư viện đọc và viết, những trang viết đầu tiên được các bậc thầy đáng kính như GS Đặng Thai Mai, các nhà nghiên cứu phê bình Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan, Nam Trân,… chỉnh sửa và góp ý. Từ một người con xứ Nghệ ra Hà Nội còn nhiều nhút nhát đến một bí thư Đoàn Thanh niên của Ủy ban Khoa học xã hội đầy hăm hở, hay từ một cán bộ trẻ về Viện học việc cho đến khi trở thành một Viện trưởng quản lý Viện trong nhiều năm… Tất cả những câu chuyện đó, gắn với những bối cảnh đất nước từ chiến tranh đến hòa bình, từ phân chia hai miền đến thống nhất, từ bao cấp sang đổi mới… Đó là những câu chuyện của một con người cụ thể qua từng giai đoạn thăng trầm của cơ quan, của đất nước. Như ông kết luận: “Tất cả những chuyện này đều đã thành quá khứ. Giờ kể lại không phải để tự hào hay để kể khổ, mà để cho nhiều thế hệ sau biết về cuộc sống, không khí học thuật của một thế hệ, một thời đại đã thật sự trải qua trong lịch sử dân tộc. Nếu không hiểu biết về những thăng trầm, những khó khăn và cả những ấu trĩ đã trải qua thì rất khó để hiểu về con người và công việc của thế hệ chúng tôi. Và đó cũng là một giá trị mà tôi rất trân trọng công việc mà Trung tâm đang thực hiện. Đó là một công việc có giá trị nhân văn lâu dài cho dân tộc”.