Những cơn mưa lâm thâm đầu đông như sắt thêm nỗi lòng người ở lại. Buổi tiễn đưa ông kéo dài từ 7h30 đến 9h sáng. Đồng nghiệp, học trò xếp hàng chật kín nhà tang lễ, chiếc xe tang đưa GS Lê Đức An đi chặng cuối cuộc đời đã lăn bánh, nhưng học trò, đồng nghiệp vẫn đứng kín khoảng sân của nhà tang lễ. Ai đã níu chân họ? Không, không ai làm được việc đó, chỉ có tình, đức mà Giáo sư gây dựng và để lại từ lúc sinh thời đã lay động đến trái tim của những người ở lại.
Chân dung GS.TSKH Lê Đức An |
Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam may mắn được gặp GS Lê Đức An từ năm 2015, khi ấy ông đã ở gần tuổi 80. Trong nhiều buổi làm việc, ông đã chia sẻ câu chuyện về cuộc đời của một nhà địa mạo, về những thăng trầm của thời cuộc gắn với những thăng trầm trong nghiên cứu của ông.
Ông sinh năm 1936 tại làng Giáp Nhị, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Năm 1964, sau khi tốt nghiệp loại xuất sắc tại khoa Địa chất, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Kỹ sư Lê Đức An được phân công về Đoàn 20 – Tổng Cục Địa chất với trách nhiệm là đo vẽ, lập bản đồ địa chất tại Đội Đông Bắc, Đoàn 20 – Tổng cục Địa chất; Năm 1965, ông là Tổ trưởng tìm kiếm khoáng sản, đoàn Địa chất 20; trực tiếp tham gia tìm kiếm thiếc vùng Tam Đảo và một số khoáng sản khác; tham gia đề án lập bản đồ địa chất vùng Thần Sa – Thái Nguyên tỷ lệ 1:50.000; tham gia một số công việc bổ sung cho tờ địa chất Bắc Việt Nam tỷ lệ 1:500.000. Ngoài công tác chuyên môn, được quần chúng tín nhiệm, ngay từ khi mới ra trường, Kỹ sư Lê Đức An đã được bầu làm Tổ trưởng Công đoàn và Ủy viên Ban chấp hành Công đoàn bộ phận, rồi đến Phó thư ký Công đoàn cơ sở Đoàn Địa chất 20. Ngày 01-9-1965, ông đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đoàn Địa chất 20A, Tổng cục Địa chất và được cử đi học ngoại ngữ tiếng Nga tại Trường Bổ túc Ngoại ngữ Thanh Xuân, Hà Nội, chuẩn bị cho chuyến xuất ngoại đầu tiên của mình.
Sau khi học xong tiếng Nga, từ tháng 8-1966 đến 8-1967, ông Lê Đức An làm việc tại Vụ Lưu học sinh, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Tháng 9-1967, ông được cử đi thực tập sinh tại Viện Địa lý – Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô và sau đó chuyển làm nghiên cứu sinh của Viện. Sau khi bảo vệ thành công luận án phó tiến sỹ (nay là tiến sỹ) và trở về từ Liên Xô, tháng 9-1972, PTS Lê Đức An được điều động trở về làm việc tại phòng kỹ thuật, Cục Bản đồ địa chất, sau đó đổi tên là Liên đoàn Bản đồ Địa chất thuộc Tổng cục Địa chất Việt Nam.
Sau khi thống nhất đất nước, từ tháng 1-1976, ông Lê Đức An cùng các nhà địa chất hàng đầu ở Tổng cục Địa chất thuộc Đoàn địa chất 500 lên đường thực hiện công tác đo vẽ địa chất, tìm kiếm khoáng sản và lập loạt Bản đồ địa chất miền Nam Việt Nam tỷ lệ 1:500.000. Ông được cử làm Đội trưởng Đội Địa mạo – Đệ tứ, chủ trì xây dựng bản đồ địa mạo và trầm tích Đệ tứ. Dấu chân của ông đã đặt lên trên hầu hết các nẻo đường của vùng đất phía Nam đất nước với những núi cao, rừng đậm, vực sâu hiểm trở; công tác khảo sát thực địa này không chỉ gian nan vất vả, mà còn đầy hiểm nguy vì bom mìn thời chiến tranh còn sót lại… Niềm đam mê khoa học, sự nghiêm túc, cần mẫn đã khiến ông vượt qua những khó khăn gian khổ, mang lại những thành quả khoa học với nhiều phát hiện mới về khoáng sản cho đất nước, trong đó có quặng bôxit Tây Nguyên với trữ lượng lớn; những phát hiện mới về địa mạo, địa tầng Đệ tử, được công bố trên nhiều ấn phẩm khác nhau. Cũng tại đây, ngoài công tác chuyên môn, ông còn đảm nhận vị trí Thư ký Công đoàn cơ sở Đoàn 500; Phó Bí thư Chi bộ Đoàn 500.
Sau khi kết thúc cơ bản công tác khảo sát thực địa, từ tháng 5-1980 đến tháng 11-1982, Đoàn Địa chất 500 được ghép với đoàn 200 thuộc Liên đoàn Bản đồ Địa chất đóng tại Như Quỳnh, Hưng Yên. PTS Lê Đức An là Tổ trưởng Tổ Địa mạo – Đệ tứ, Bí thư Chi bộ Đoàn 200. Đây là thời kỳ thực hiện công tác hoàn thiện Bản đồ Địa chất và các bản đồ đi kèm phần phía Nam và biên tập, lắp ghép để có được Bản đồ địa chất và các bản đồ chuyên đề lãnh thổ Việt Nam thống nhất, trong đó có các tờ bản đồ Địa mạo, Đệ tứ và Vỏ phong hóa. Bản đồ Địa chất Việt Nam sau này đã được Chủ tịch nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh.
Nhờ những đóng góp với ngành địa chất, địa mạo, tháng 12-1982, ông tiếp tục được cử đi thực tập sinh sau phó tiến sĩ tại Viện Địa lý – Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô và tại đây, ông đã bảo vệ thành công luận án tiến sỹ (nay là tiến sỹ khoa học) Địa lý với tên đề tài luận án “Địa mạo Việt Nam" vào năm 1985.
Với mục tiêu xây dựng ngành Địa lý Việt Nam lớn mạnh, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, tháng 3-1986, TS Lê Đức An được luân chuyển công tác từ Liên đoàn Bản đồ Địa chất thuộc Tổng cục Địa chất về Trung tâm Địa lý – Tài nguyên, Viện Khoa học Việt Nam, đảm nhận chức vụ Trưởng phòng Địa mạo. Năm 1991, TS Lê Đức An đã vinh dự được nhận danh hiệu Giáo sư cùng đợt với nhiều nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam. Tháng 6-1993, khi Trung tâm Địa lý – Tài nguyên được nâng cấp và đổi tên thành Viện Địa lý, ông đã đảm nhận chức vụ Viện trưởng đầu tiên của Viện. Tại đây, ông đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Viện Địa lý nói riêng, chuyên ngành Địa mạo – Đệ tứ và ngành Địa lý nói chung.
Trong giai đoạn từ năm 1993 đến năm 1998, đồng thời với chức vụ Viện trường viện Địa lý, GS Lê Đức An còn đảm nhận nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng khác như Ủy viên Hội đồng Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia giai đoạn 1994 – 1998. Đảng ủy viên, Thường vụ Đảng ủy – Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Viện Khoa học Việt Nam giai đoạn 1987-1993…
Từ tháng 12-1998 sau khi nghỉ công tác quản lý, GS Lê Đức An vẫn tiếp tục làm công tác nghiên cứu khoa học tại Viện Địa lý, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Tháng 12-2007, ở tuổi 71, GS.TSKH Lê Đức An đã được Nhà nước cho nghỉ hưu, song ông vẫn còn trăn trở với một số dự định khoa học còn dang dở, và lại một lần nữa, ông đã tập trung thời gian vào việc biên soạn sách báo và đã cho ra đời được nhiều sách chuyên khảo có giá trị lý luận và thực tiễn cao.
Có thể nói, GS.TSKH Lê Đức An đã dành trọn đời cho ngành Địa lý. Ông đã góp phần làm sáng tỏ nhiều quy luật phát triển địa hình lãnh thổ Việt Nam trong mối liên quan với kiến tạo, thạch học và khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa cũng như động lực nội sinh và ngoại sinh của các quá trình thành tạo địa hình ở Việt Nam. Gần 7000 tư liệu gắn bó với cuộc đời nghiên cứu khoa học của GS.TSKH Lê Đức An được Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam lưu trữ và phát huy. Thông qua những di sản này, Bảo tàng sẽ kể lại cho thế hệ sau một tấm gương về một nhà khoa học tận tuỵ, tài ba, tinh thông nghiệp vụ, kiên định, quyết đoán, trung thực, thẳng thắn, bản lĩnh vững vàng trước mọi vấn đề. Chúng tôi xin dâng nén hương thơm tiễn biệt đưa ông về với thế giới người hiền.
Hoàng Thị Kim Phượng