Không ít người đã từng được nghe rất nhiều về GS.TS Hoàng Tụy – “cha đẻ” của ngành Tối ưu toàn cục. Nhưng chỉ khi được gặp ông, nghe ông kể về câu chuyện cuộc đời và những niềm đam mê của mình, tôi mới như được chiêm ngưỡng thêm một góc khác trong con người nhà khoa học đáng kính.
Không ngừng tự học, tự nghiên cứu
GS Hoàng Tụy bộc bạch rằng cả đời ông chỉ học trên ghế nhà trường trong 8 năm phổ thông và 1 tháng đại học, còn lại là tự học. Hồi nhỏ, ông có ấn tượng đặc biệt về một thầy giáo, cứ vào lớp là nhắc đi nhắc lại câu tiếng Pháp: Các anh đến trường không phải để học mà là học cách học[1], ông nhập tâm câu nói ấy lúc nào không hay.
Năm 1941, ông bị một trận ốm thập tử nhất sinh phải nghỉ học ở nhà một năm. Quãng thời gian này thật có ý nghĩa với ông, bởi thói quen tự học và hoài bão khoa học đã hình thành trong ông chính từ đây. Ở nhà dưỡng bệnh thật buồn nên ông lấy sách toán trong rương của anh trai là Huỳnh Dư ra để tự đọc và làm bài tập, ông cũng đọc thêm sách văn học cùng người cháu là Bùi Giáng và sách lịch sử trong tủ của anh họ Hoàng Phò. Nhờ đọc nhiều sách nên Hoàng Tụy bắt đầu đã có những suy nghĩ về tương lai. Hồi ấy ông 14 tuổi, đang sống trong chế độ thực dân, gia đình nghèo, các anh phải đi làm sớm để nuôi em. Gia đình ông vốn không ưa thực dân Pháp, anh ruột của ông nội (tức Tổng đốc Hoàng Diệu) rồi cả con cháu họ Hoàng, như Hoàng Phò, Hoàng Dư đều chống Pháp quyết liệt. Ông nghĩ, mình yêu nước và muốn cống hiến cho đất nước nhưng đi làm cách mạng thì sức yếu, không làm nổi. Mấy anh của ông có tinh thần chống Pháp thì bị đuổi khỏi nhiệm sở. Do đó, ông muốn làm một nghề liên quan đến trí tuệ, kiến thức. Hoài bão của ông chỉ khiêm tốn là làm sao trở thành phụ giảng ở trường đại học, bởi trường đại học còn hiếm hoi, chủ yếu là thầy Tây dạy, rất ít có thầy người Việt. Ông tự nhủ, nếu trở thành nhà khoa học, có thể đem lại niềm tự hào dân tộc, phát huy truyền thống gia đình, chứng tỏ người Việt Nam không thua kém các dân tộc khác[2].
Tối nào đi ngủ chàng trai trẻ Hoàng Tụy cũng nghĩ đến chuyện sau này sẽ làm khoa học, như một hình thức bị tự kỷ ám thị. Hoài bão làm khoa học trong cứ dần dần lớn lên như thế. Sau này dù ốm đau hay trong mọi hoàn cảnh, ông vẫn giữ được niềm đam mê ấy. Đầu năm 1946, ông ra Hà Nội học Cao đẳng Toán học, nhưng mới được một tháng rưỡi thì toàn quốc kháng chiến, ông dành toàn bộ tiền để lùng mua sách toán bằng tiếng Pháp ở Hà Nội. Rồi ông về Khu 5, vừa dạy vừa học và thi đỗ bằng Toán học đại cương.
Năm 1951, nghe tin tiến sĩ toán học Lê Văn Thiêm ở Pháp về Việt Bắc, Hoàng Tụy đã hứa hôn với cô Dương Ngọc Anh nhưng vẫn dứt áo ra đi, hai tháng ròng đi bộ vượt Trường Sơn ra Việt Bắc. Ông chia sẻ: Lúc đó tất nhiên tôi phải lựa chọn giữa tình yêu và sự nghiệp, chính hoài bão khoa học đã cho tôi nghị lực để lựa chọn[3].
Và cũng chính hoài bão khoa học đã giúp ông có động lực tìm hiểu, nghiên cứu về vận trù học, áp dụng vào thực tiễn và xây dựng thành một phong trào rộng khắp miền Bắc trong những năm 60 của thế kỷ trước. Từ thực tế áp dụng vận trù học, nảy sinh bài toán cần giải quyết về quy hoạch lõm và ông đã phát kiến phương pháp “lát cắt” mà sau này được coi là nền tảng đầu tiên của ngành tối ưu toàn cục.
GS.TS Hoàng Tụy, tháng 1-2016
GS Hoàng Tụy quan niệm, làm khoa học muốn có kết quả thì phải luôn nghiên cứu những vấn đề nhiều người quan tâm. Do đó, người làm khoa học trong lĩnh vực chuyên môn của mình, dù đã đạt trình độ thành thạo nhưng nếu cứ bình chân với kiến thức đã có, thì sẽ đến lúc viết bài không có người đọc, bởi khoa học luôn phát triển. Kể cả bản thân ông, ông không ngừng tìm kiếm những ý tưởng mới theo nhu cầu thời đại. Từ giữa thập niên 80 thế kỷ XX, ông đề xuất và xây dựng lý thuyết tối ưu DC (hiệu hai hàm lồi), và từ năm 2000 ông lại đề xuất và xây dựng lý thuyết tối ưu đơn điệu. Ông tự hào, vì dù trong hoàn cảnh khó khăn và điều kiện chưa đảm bảo của một nước đang phát triển, nhưng ông cũng có đóng góp khoa học được thế giới công nhận.
Đam mê truyền thụ kiến thức
Trong gia đình, các anh của GS.TS Hoàng Tụy đều làm nghề dạy học. Dường như yếu tố gia đình này phần nào ảnh hưởng đến con người ông, khiến trong ông bên cạnh niềm đam mê tự học còn có đam mê truyền thụ lại kiến thức. Ông tự ý thức cần làm như vậy: Khi mình đã hiểu bản chất một vấn đề, mình khao khát muốn truyền thụ lại cho người khác để họ cũng hiểu như mình[4] .
GS Hoàng Tụy bắt đầu dạy học tại trường trung học Lê Khiết ở Khu 5 cuối những năm 1940. Với đam mê truyền thụ kiến thức, khi lên bục giảng, trong đầu ông lúc nào cũng tìm mọi cách để học trò hiểu được bản chất điều mình nói và truyền niềm đam mê cho trò. Cách giảng của ông là luôn nhìn đối tượng nhận thức, nếu họ có biểu hiện mất tập trung thì phải thay đổi phương pháp ngay. Ông quan niệm, muốn truyền đạt niềm đam mê thì thầy đến lớp giảng chứ không bám khư khư vào quyển giáo án. Do đó, khâu chuẩn bị giáo án phải thật kỹ, thậm chí thuộc lòng nội dung bài giảng, kể cả những công thức rắc rối.
Xuất thân từ dạy trung học nên ông quan niệm sử dụng bảng là một khâu rất quan trọng. Nhiều thầy dạy toán thường viết công thức hết bảng rồi lại xóa, nhưng ông thấy cách giảng như thế không hiệu quả. Theo ông, học sinh nhìn lên bảng có thể thấy được riêng từng vấn đề và toàn cảnh vấn đề, mối liên quan giữa các vấn đề. Cho nên, ông thường chia bảng làm hai phần và cố gắng thể hiện cả bài giảng trên bảng. Chữ ông xấu, nhưng trên bảng ông viết cẩn thận để học trò dễ theo dõi. Nhờ cách truyền thụ như vậy, ông đã đào tạo nhiều thế hệ học trò thành danh như Phan Đình Diệu, Ngô Việt Trung,…, không chỉ ở Việt Nam mà ở cả Canada, Thụy Điển, Áo, Pháp…
Thầy Hoàng Tụy giảng dạy tại CHDC Đức, 1964
Nhớ về những buổi học GS Hoàng Tụy lên lớp, một học trò cũ là Nguyễn Quang Thái[5] kể: Thầy Hoàng Tụy là mẫu mực về giảng bài, viết bảng, bao giờ chữ cuối cùng của góc bảng bên phải kết thúc cũng là lúc xong bài giảng, mà chữ nào chữ nấy rõ ràng, chuẩn mực. Tôi ngồi nghe thầy giảng mà không gian xung quanh gần như tan biến, chỉ có tôi và thầy. Thầy cuốn hút tôi không chỉ về phương pháp mà còn về ý tưởng, kiến thức khoa học. Thầy đưa đến cho tôi một phương thức làm việc mới, dám lật ngược lại vấn đề. Chúng tôi mới là sinh viên năm thứ hai, thứ ba, tiếng Nga còn chưa thạo, thầy hướng dẫn đọc bài nghiên cứu trên tạp chí của Liên Xô, rồi đặt câu hỏi tại sao họ viết thế này, không viết cách khác… Cách thức ấy giúp chúng tôi trở thành “người khổng lồ” đứng trên vai “những người khổng lồ”. Chúng tôi học được rất nhiều từ thầy, học theo phong cách viết lách của thầy[6].
Hà Huy Khoái[7] cũng là một học trò cũ vẫn nhớ, vào năm 1966, khi khoa Toán trường ĐH Tổng hợp Hà Nội sơ tán lên Thái Nguyên, các bài giảng của thầy Hoàng Tụy bao giờ cũng lôi cuốn sinh viên nhất. Có hôm, khi giảng về lí thuyết tập hợp và những nghịch lý của nó, thầy Tụy say sưa đến nỗi quên nghỉ giải lao, và sinh viên cũng chỉ nhận ra cái đói sau bài giảng kéo dài hai tiếng của thầy. Theo ông, các bài giảng của thầy Tụy thành công có lẽ không chỉ vì thầy trình bày bao giờ cũng rõ ràng, sâu sắc, biến mọi điều phức tạp thành dễ hiểu, mà chính là vì lòng say mê toán học của thầy đã truyền sang cho học sinh[8].
Biết bao học trò qua nhiều thế hệ vẫn vẹn nguyên những ký ức về thầy Hoàng Tụy và nhớ mãi những bài giảng của thầy. GS.TSKH Trần Văn Nhung[9] kể: Đôi mắt sáng của Thầy luôn hướng về phía học trò khi nêu vấn đề, khi đặt câu hỏi, khi gợi ý và khi khuyến khích, động viên chúng tôi. Thầy chú ý dạy học trò hiểu được xuất xứ, bản chất và các mối liên quan của vấn đề. Cách dạy của Thầy độc đáo và cuốn hút, không sa vào các công thức và kỹ thuật, để tránh cho học trò “thấy cây mà không thấy rừng”. Mỗi khi cần viết lên bảng thì Thầy lại viết rất nắn nót, cẩn thận, rõ ràng, ví dụ chữ cái c, t…, còn có cả đuôi bên trái[10].
Sau này về Viện Toán học, do yêu cầu công việc, GS Hoàng Tụy tự học tiếng Anh rồi hướng dẫn lại cho anh em trong Viện để viết được các bài nghiên cứu bằng tiếng Anh để có thể công bố ra quốc tế. Hiện nay, Viện Toán học đã trưởng thành nhanh chóng, thành một trung tâm toán học uy tín hàng đầu của cả khu vực về trình độ của đội ngũ cán bộ cũng như số lượng, chất lượng các công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí quốc tế.
* *
*
Mái tóc bạc của “ông già tuyết” vẫn cặm cụi bên máy tính hàng ngày dù sức khỏe giảm dần theo tuổi tác. Như con ong chăm chỉ, ông vẫn thu nạp những bông hoa kiến thức để làm mật ngọt và truyền thụ cho đời. Bất giác, nhìn lên mấy quyển sách toán học vừa mượn của ông, tôi dự định sẽ đọc để dạy cho cậu con trai nhỏ của tôi yêu thích toán học, và chợt nhận ra rằng, hình như có một niềm đam mê tìm hiểu toán học và quyết tâm dạy con học toán đã được GS Hoàng Tụy khởi gieo vào tâm hồn tôi. Tôi thầm cảm ơn công việc nghiên cứu thú vị ở Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã giúp tôi gặp “ông già tuyết” này và nhận từ ông những món quà tinh thần vô giá. Cảm ơn “ông già tuyết đến từ phương Nam”!
GS.TS Hoàng Tụy sinh ngày 7-12-1927 tại Quảng Nam. Ông được biết đến là “cha đẻ” của chuyên ngành toán học Tối ưu toàn cục. Năm 1996, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Năm 2011 ông nhận Giải thưởng Constantin Caratheodory của Tổ chức Tối ưu toàn cục quốc tế.
Trần Bích Hạnh
————————–
[1] [2] [3] Phỏng vấn GS.TS Hoàng Tụy ngày 19-11-2015, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[4] Phỏng vấn GS.TS Hoàng Tụy ngày 21-1-2016, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[5] GS.TSKH Nguyễn Quang Thái, hiện là Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam.
[6] Phỏng vấn GS.TSKH Nguyễn Quang Thái ngày 6-1-2016, lưu trữ tai Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[7] GS.TSKH Hà Huy Khoái, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam.
[8] Hà Huy Khoái, “Giáo sư Hoàng Tụy”, Sỹ phu thời nay, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2007.
[9] GS.TSKH Trần Văn Nhung hiện là Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước.
[10] Trần Văn Nhung, “Những kỷ niệm về GS Hoàng Tụy”, http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=111&News=4426&CategoryID=2