Hai niềm vui ở chiến khu Việt Bắc

Sau toàn quốc kháng chiến, Trần Vĩnh Phúc theo gia đình rời Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc, ở tại xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang. Bố ông khi đó là Phó Giám đốc nhà máy in bạc đặt tại Bản Thi, huyện Chợ Đồn, Bắc Cạn. Vì bố và anh trai bận công tác xa nhà, nên Trần Vĩnh Phúc vừa đi học vừa phải chăm lo cho mẹ bị bệnh, cho các em và làm công việc gia đình.

Năm 1947, Chính phủ và Bộ Tài chính chỉ đạo xây dựng thêm một cơ sở in bạc là nhà máy in bạc Khánh Thi tại thôn Ngầu 1, xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang. Việc mở thêm nhà máy mới cần thêm công nhân, vì vậy năm 1950, “cuộc đổi đời thứ nhất” đã đến – như ông chia sẻ, đó là khi ông được nhận vào làm tại phòng Cắt và đếm bạc tại nhà máy in bạc Khánh Thi. Trong thời gian đầu, công việc vất vả và khó khăn, đòi hỏi ông phải kiên trì tập trung cao độ để học đếm từng thếp tiền một cách chính xác, nhưng được sự giúp đỡ của công nhân cùng phòng ông đã làm được tốt công việc. Ông tâm sự “Với tôi đó là một niềm vui bất tận vì được hòa mình và chứng kiến cuộc sống sản xuất khẩn trương, hăng say, đầy tinh thần yêu nước của những người thợ in bạc trong kháng chiến”.

 

 PGS.TS Trần Vĩnh Phúc giới thiệu với nghiên cứu viên những bức ảnh trong thời gian ở Chiêm Hoá, Tuyên Quang

Cũng chính tại nơi đây “cuộc đổi đời lần thứ hai” của Trần Vĩnh Phúc đã đến, bố ông báo cho ông biết tin đồng chí Hoàng Quốc Việt đã giới thiệu cho hai anh em ông đi học trường Thiếu sinh quân. PGS.TS Trần Vĩnh Phúc nhớ lại “Tôi xúng xính bộ quần áo mới cứng – nhưng không phải là những bộ quần áo mới bình thường mà lần này là bộ quần áo thiếu sinh quân màu xanh lá cây”.

Năm 1951, Trần Vĩnh Phúc tạm biệt gia đình đi học tại trường Thiếu sinh quân thuộc Tổng cục Chính trị ở Cổ Lãm, Thái Nguyên và sau đó ông trở thành một trong 100 học sinh được Bác Hồ cử sang Liên Xô năm 1954 học tiếng Nga để về phục vụ cho đất nước.

Lê Thị Hoài Thu