Hạnh phúc khi được làm công việc yêu thích
Ngày 5-4-2016, trong buổi làm việc đầu tiên với nghiên cứu viên Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, PGS.TS Phạm Xanh đã chia sẻ về lựa chọn của ông với công việc nghiên cứu lịch sử.
Năm 1963, sau khi tốt nghiệp khoa tiếng Nga, trường Trung cấp Ngoại ngữ[1], sinh viên Phạm Xanh[2] được phân công về trường Trung cấp chuyên nghiệp Văn hóa[3]. Sau đó, ông lại được chuyển công tác về Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Ở đó, ông có điều kiện tiếp xúc nhiều tư liệu quý về lịch sử, và ông nhận ra một điều: Có lẽ, lịch sử mới là niềm đam mê thực sự của mình. Từ đó, ông bắt đầu nuôi ước mơ trở thành một nhà nghiên cứu lịch sử.
PGS.TS Phạm Xanh
Để hiện thực hóa ước mơ, năm 1973, ông đăng ký tham dự kỳ thi đại học và trở thành sinh viên khóa 18, trường ĐH Tổng hợp HN. Năm 1977, ông tốt nghiệp và đứng trước hai sự lựa chọn nghề nghiệp: Một là quay trở lại Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam; hai là ở lại trường làm giảng viên theo đề nghị của khoa. Cuối cùng ông quyết định ở lại trường làm thầy giáo với suy nghĩ: Ở lại trường sẽ có điều kiện làm việc và học hỏi những tinh hoa của các thầy gạo cội như thầy Đinh Xuân Lâm, Hà Văn Tấn, Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Lê Mậu Hãn… đồng thời, có điều kiện để tiếp tục nghiên cứu. Và ông bắt đầu công tác ở khoa Lịch sử trường ĐH Tổng hợp kể từ đó đến khi nghỉ hưu. Hiện nay ông vẫn tham gia công tác giảng dạy theo lời mời của khoa.
PGS.TS Phạm Xanh thổ lộ: Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được làm công việc yêu thích. Hiện nay, ông còn giữ được nhiều tư liệu, ông hứa sẽ dành thời gian để làm việc với Trung tâm trong thời gian tới.
Hoàng Thị Kim Phượng
Tin khác
- Khoa học và cuộc sống
- Ông Tiến sĩ của ruộng đồng
- Lộ trình ngược của vị Phó giáo sư kinh tế
- “Học phải tìm đến gốc”
- Gặp nhà khoa học nghiên cứu về rau an toàn
- Vì “mê” nên chọn
- Tiếp nhận tài liệu ngành y học và nông nghiệp
- Âm thầm với khảo cổ học cộng đồng
- Tôi đến với chèo là duyên, là phận
- Nghiên cứu khoa học gắn liền với thực tiễn sản xuất