Đến với Vương quốc Bỉ
Hoàng Anh Dũng sinh năm 1954, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, trong một gia đình có truyền thống y khoa. Cha là bác sĩ Hoàng Bá, từng đảm nhiệm các chức vụ: Giám đốc Viện Bài lao, Bệnh viện Trung ương Huế, Chánh sự vụ Sở Y tế ngoại viện miền Trung (1946 – 1951), Trưởng ty Y tế kiêm Giám đốc Bệnh viện các tỉnh Quảng Bình (1952 – 1954), tỉnh Quảng Ngãi (1955 – 1961) và tỉnh Bình Thuận (1962 – 1964). Sau khi đỗ Tú tài phần 2 (ban B) năm 1972, mặc dù rất thích học ngành kiến trúc nhưng theo định hướng của cha, Hoàng Anh Dũng quyết định nối nghiệp cha và thi vào trường Đại học Y khoa Huế.
Năm 1980, tốt nghiệp bác sĩ Y khoa hệ Ngoại sản, Hoàng Anh Dũng được phân công công tác tại khoa Ngoại, Bệnh viện tỉnh Quảng Ngãi. Trong suốt 10 năm công tác tại đây, bác sĩ Hoàng Anh Dũng luôn dành trọn “chữ tâm” trong khám chữa bệnh, giữ trọn “chữ tình” với bạn bè, đồng nghiệp và nhân dân địa phương.
Năm 1990 là thời điểm đánh dấu bước ngoặt lớn với bác sĩ Hoàng Anh Dũng, khi ông cùng cha mẹ và gia đình nhỏ quyết định sang định cư tại Vương quốc Bỉ. Trước đó, từ năm 1968, chị gái Hoàng Thị Ngọc Hồ theo học ngành kinh tế và định cư tại Bỉ. Sau khi công việc và cuộc sống dần ổn định, chị làm thủ tục bảo lãnh cho bố mẹ và gia đình nhỏ của ông Hoàng Anh Dũng qua Bỉ. Từ đây, ông bắt đầu cuộc phiêu lưu nơi đất khách quê người. Mục tiêu đầu tiên của ông là kiếm việc làm để có thu nhập trang trải các chi phí sinh hoạt của cả gia đình[1]. Ông bắt đầu bằng đủ thứ nghề, từ phục vụ quán ăn tới làm nhân viên quét dọn, điều dưỡng trong viện dưỡng lão… Áp lực cuộc sống, công việc khiến ông tính bỏ nghề y để chuyển sang học lập trình – một nghề còn rất mới mẻ lúc bấy giờ. Nhưng sau 1,5 năm theo học, nhận thấy bản thân không thích hợp với máy tính và những dãy code, Hoàng Anh Dũng quay trở lại học ngành Y. Đây là quyết định khó khăn với ông bởi ông đã không còn trẻ nữa. Ngưỡng mộ trước quyết tâm học tập của ông, một Giáo sư của Đại học Tự Do Bruxelles (ULB) – nơi ông đăng ký theo học vào năm 1992, đã bày tỏ: Tôi rất ngưỡng mộ ông, với tuổi này (40 tuổi) mà ông còn đủ can đảm để tiếp tục đi học[2]. Nhờ việc đã tốt nghiệp Y khoa và kinh nghiệm làm việc 10 năm tại Việt Nam, Hoàng Anh Dũng được Hội đồng Y khoa, Bộ Giáo dục Vương quốc Bỉ miễn giảm thời gian đào tạo chương trình Y khoa tổng quát từ 7 năm học xuống còn 2 năm học.
Trong quá trình học, Hoàng Anh Dũng rất vui mừng mỗi khi được tham gia phụ mổ, bởi ông học được nhiều kỹ thuật mổ mới mà chưa từng được biết đến ở Việt Nam trước đó. Ngoài việc đọc rất nhiều tài liệu, ông chịu khó đi sớm về khuya để tranh thủ học hỏi thêm kinh nghiệm thực tế trong phẫu thuật của các thầy. Với kiến thức sâu rộng và nắm bắt nhanh các kỹ thuật mổ nên Hoàng Anh Dũng sớm được các thầy giao nhiệm vụ trực tiếp thực hiện phẫu thuật trên bệnh nhân với các bác sĩ nội trú, mặc dù ông là sinh viên. Song song với việc học, ông xin làm điều dưỡng vào ban đêm và hai ngày nghỉ cuối tuần trong một viện dưỡng lão, mức lương khoảng 600 EUR/tháng. Sau đó, ông xin vào làm thêm trong một phòng thí nghiệm về vi phẫu, với công việc là nuôi chuột và nuôi thỏ thí nghiệm để học về kỹ thuật khâu nối mạch máu vi phẫu.
Năm 1994, ông Hoàng Anh Dũng tốt nghiệp Y khoa tổng quát của Đại học Tự Do Bruxelles. Với suy nghĩ “học không bao giờ là đủ”, ông tiếp tục đăng ký học ngoại khoa với chương trình kéo dài 6 năm. Tuy nhiên, nhờ kinh nghiệm thực tế và những kiến thức đã được học tại Đại học Tự Do Bruxelles, ông đã xuất sắc vượt qua cuộc phỏng vấn gần 2 giờ đồng hồ của Hội đồng Ngoại khoa[3], Bộ Y tế Vương quốc Bỉ. Hội đồng Ngoại khoa đã quyết định cho ông được giảm 4 năm học trong chương trình đào tạo nội trú ngoại khoa.
Sau khi nhận bằng tốt nghiệp Ngoại khoa (năm 1999), bác sĩ Hoàng Anh Dũng được nhận vào thử việc và trở thành bác sĩ chính thức tại khoa Thận – Lọc máu – Ghép thận, Bệnh viện Erasme của Đại học Tự Do Bruxelles – một trong ba trung tâm ghép tạng lớn nhất ở Bỉ và toàn châu Âu. Đây cũng là cơ hội để ông được tiếp cận với lĩnh vực mới của y học thế giới. Với tinh thần chủ động, ông luôn chịu khó học hỏi ở mọi lúc mọi nơi. Hình ảnh bác sĩ Hoàng Anh Dũng đến cơ quan sớm nhất và ra về trễ nhất trở nên quen thuộc với các bác sĩ, y tá của Bệnh viện Erasme. Ghi nhận những nỗ lực, cố gắng trong công tác chuyên môn, tháng 4-2004, bác sĩ Hoàng Anh Dũng được bổ nhiệm làm Phó khoa Ghép tạng dưới cơ hoành, Bệnh viện Erasme. Sau đó, ông được giao phụ trách Phân khoa Ghép thận – Tụy tạng và được đánh giá là một trong những chuyên gia đầu ngành về ghép thận của Bỉ và châu Âu.
Hướng về quê hương
Luôn ghi nhớ lời dặn của cha: Quê ta còn nghèo lắm con ạ! Khi thành công, con hãy trở về giúp quê hương[4] và cũng từng làm bác sĩ ngoại khoa ở Việt Nam 10 năm nên bác sĩ Hoàng Anh Dũng luôn ấp ủ có ngày trở về để chia sẻ khó khăn với đồng nghiệp trong nước, đồng thời, hiện thực hóa mong mỏi của cha. Hàng năm, Bệnh viện Erasme có một khoản kinh phí dùng để nghiên cứu và giúp đỡ y tế cho một số quốc gia và vùng lãnh thổ chậm phát triển trên thế giới. Thay vì đi châu Phi, ông quyết định dùng nguồn kinh phí đó để hỗ trợ Việt Nam. Ngay sau khi tốt nghiệp bác sĩ tại Bỉ, năm 1995, ông Hoàng Anh Dũng đã có chuyến trở về nước đầu tiên. Ông Hoàng Anh Dũng cùng GS Christian Rondeux (chuyên gia Phục hồi chức năng của Bệnh viện Erasme), thông qua bác sĩ Hoàng Minh (nguyên Giám đốc Bệnh viện tỉnh Quảng Ngãi) đã xây dựng chương trình Phục hồi chức năng giúp cho Bệnh viện tỉnh Quảng Ngãi, Bệnh viện Trung ương Huế và Đại học Y khoa Huế. Đến tháng 11-1997, ông tổ chức thành công Hội nghị Phục hồi chức năng Việt – Bỉ tại Đại học Y khoa Huế.
Cuối những năm 90, ở nước ta nói chung và Bệnh viện Trung ương Huế nói riêng, việc nghiên cứu về bệnh ung thư và điều trị ung thư còn chưa thống nhất. Từ một ca ung thư nhập viện, mỗi bác sĩ có một quan điểm và đưa ra những phác đồ điều trị khác nhau. Từ thực tế đó, năm 1999, trong chuyến công tác về Bệnh viện Trung ương Huế, ông Hoàng Anh Dũng cùng GS El Nakadi[5] xây dựng chương trình hỗ trợ điều trị ung thư tại Bệnh viện Trung ương Huế và Đại học Y khoa Huế. Chương trình được tài trợ 350.000 EUR; đồng thời, với sự kết nối của bác sĩ Hoàng Anh Dũng, Cộng đồng nói tiếng Pháp tại Bỉ hỗ trợ 150.000 EUR góp phần đào tạo đội ngũ bác sĩ về ung bướu. Hàng năm, trường Đại học Y khoa Huế và Bệnh viện Trung ương Huế cử từ 6 – 8 bác sĩ sang tu nghiệp, làm nghiên cứu sinh tại Đại học Tự Do Bruxelles, Vương quốc Bỉ. Hiện nay, họ là những bác sĩ chủ chốt về ung bướu tại Huế, trong đó có GS.TS Phạm Như Hiệp – Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế.
Vào đầu những năm 2000, lĩnh vực ghép tạng tại Việt Nam còn khá mới mẻ và có nhiều hạn chế về phương pháp, kỹ thuật ghép. Đầu năm 2001, trong chuyến công tác trở về Huế để học cắt gan theo “phương pháp Tôn Thất Tùng”, bác sĩ Hoàng Anh Dũng được GS.TS Phạm Mạnh Hùng – Thứ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Phạm Như Thế – Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế đề nghị hỗ trợ thực hiện các ca ghép thận tại Việt Nam. Từ đây, ông thực hiện sứ mệnh hỗ trợ ghép thận tại quê nhà. Bằng uy tín của mình, ông mời nhiều giáo sư, bác sĩ đầu ngành ghép thận của thế giới đến thăm, làm việc, tập huấn và chuyển giao kỹ thuật, đào tạo cho các bác sĩ Việt Nam. Ông cùng bà Van Haelewijck – Chủ tịch Hội Thông tin hiến tạng – hiến mô thế giới tổ chức các báo cáo chuyên đề về hiến tạng và ghép tạng ở Việt Nam. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn về Điều phối viên ghép tạng tại nhiều Bệnh viện trong nước.
Ngày 30-7-2001, bác sĩ Hoàng Anh Dũng cùng với GS Depauw Luc (nguyên Trưởng Phân khoa Ngoại Ghép thận – tụy tạng, Bệnh viện Erasme) – cũng là thầy giáo của ông, thực hiện ca ghép thận đầu tiên trên một bệnh nhân nam tại Bệnh viện Trung ương Huế. Riêng tại Bệnh viện Trung ương Huế, bác sĩ Hoàng Anh Dũng đã tiến hành hướng dẫn ghép thận, hỗ trợ thuốc điều trị ức chế miễn dịch trong một năm cho 10 trường hợp ghép đầu tiên.
Không chỉ dừng lại ở Huế, bác sĩ Hoàng Anh Dũng còn giúp đỡ nhiều tỉnh, thành phố, đơn vị trên cả nước trong lĩnh vực ghép thận. Nhiều trung tâm ghép thận tại Việt Nam trải dài từ Bắc vào Nam có sự tham gia trợ giúp của ông như: Học viện Quân y, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Nhi Đồng 2, Bệnh viện Chợ Rẫy. Đến tháng 3-2006, Trung tâm ghép thận thứ 10 của nước ta tại Bệnh viện thành phố Đà Nẵng được thành lập với sự hỗ trợ của bác sĩ Hoàng Anh Dũng. Đây là trung tâm ghép thận với quy trình hoạt động, kỹ thuật, phác đồ điều trị thuốc ức chế miễn dịch tương tự như Bệnh viện Erasme. Tiếp đó, năm 2007, bác sĩ Hoàng Anh Dũng cùng GS.TS Trần Ngọc Sinh đã hỗ trợ thành lập Trung tâm ghép thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang. Từ năm 2008, nhận lời mời của Đại tá Phạm Quang Cử – Giám đốc Bệnh viện 19/8, Bộ Công an, bác sĩ Hoàng Anh Dũng đã nhiều lần về nước chuyển giao công nghệ thực hiện ghép thận bằng phương pháp nội soi. Đây cũng là một phương pháp tiên tiến lần đầu tiên được thực hiện ở khu vực phía Bắc nước ta. Hiện nay, hàng năm, Bệnh viện 19/8, Bộ Công an đã chủ động thực hiện trung bình được 6 ca ghép thận bằng kỹ thuật nội soi.
Bác sĩ Hoàng Anh Dũng (bên trái) phẫu thuật ghép thận tại Bệnh viện thành phố Đà Nẵng (năm 2006)
Bác sĩ Hoàng Anh Dũng (ngoài cùng, bên phải) thực hiện phẫu thuật ghép thận tại Bệnh viện 19/8, Bộ Công an (năm 2008)
Tính đến nay, không chỉ thực hiện 200 ca phẫu thuật lấy thận từ người hiến sống, bác sĩ Hoàng Anh Dũng còn thực hiện 800 ca lấy thận từ người hiến chết não[6] để phục vụ ghép thận. Bên cạnh đó, ông cũng tiến hành phát triển phẫu thuật nội soi lấy thận từ người hiến sống. Kỹ thuật này có thể tiến hành những ca phẫu thuật khó như trường hợp thận hiến có 4 động mạch[7].
Đồng thời với việc hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật và thực hiện ghép, với tầm nhìn lâu dài về việc xây đội ngũ chuyên gia ghép thận cho các bệnh viện tại Việt Nam, bác sĩ Hoàng Anh Dũng triển khai nhiều các chương trình hợp tác đào tạo với Bệnh viện Erasme. Ngay từ năm 2001 – 2005, ông đã kết nối với Cộng đồng nói tiếng Pháp tại Bỉ hỗ trợ 380.000 EUR để đào tạo về ghép thận cho các bác sĩ của Việt Nam tại Bỉ. Mỗi năm, với nguồn hỗ trợ đó, trường Đại học Y khoa Huế và Bệnh viện Trung ương Huế cử từ 6 – 8 bác sĩ sang Bỉ thực tập, làm nghiên cứu sinh tại Đại học Tự Do Bruxelles. Năm 2010, bác sĩ Hoàng Anh Dũng phối hợp cùng Bộ Y tế Việt Nam, trực tiếp với PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế thực hiện chương trình liên kết nhằm đào tạo bác sĩ tại các bệnh viện của Bỉ (Chương trình FOSFOM). Chương trình FOSFOM được tiến hành 3 đợt, trong đó có các bác sĩ công tác tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức, trường Đại học Y dược Huế và Bệnh viện Trung ương Huế tham gia khóa đào tạo.
Nhận thấy điều kiện cơ sở vật chất của các bệnh viện trong nước còn hạn chế, trong những chuyến công tác về Việt Nam, bác sĩ Hoàng Anh Dũng đã vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm tại nước ngoài hỗ trợ, đóng góp nhiều trang thiết bị y tế và những thuốc đặc trị đắt tiền cho các Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang, Bệnh viện tỉnh Quảng Ngãi, Bệnh viện Hà Tĩnh. Riêng tại tỉnh Kiên Giang, ông đã vận động quyên góp được các thiết bị y tế với trị giá trên 30 tỷ đồng.
Trong suốt hành trình hướng về quê hương, bác sĩ Hoàng Anh Dũng luôn đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn của bệnh nhân. Xuất phát từ cái tâm của người bác sĩ xa xứ, những năm 2000, mặc dù không trực tiếp về Việt Nam nhưng ông đã hỗ trợ cho hàng chục bệnh nhân tại Việt Nam. Cụ thể như, thông qua GS.TS Phạm Gia Khánh (Giám đốc Học viện Quân y), bác sĩ Hoàng Anh Dũng đã hỗ trợ liều thuốc thải ghép trị giá 3.000 USD cho trường hợp ghép thận của em bé 13 tuổi tại Bệnh viện Quân y 103.
Bác sĩ Hoàng Anh Dũng nhận Giải thưởng “Vinh danh đất Việt” (năm 2006)
Với những đóng góp cho quê hương, bác sĩ Hoàng Anh Dũng vinh dự được trao tặng Giải thưởng “Vinh danh đất Việt” (2006), Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam vì những đóng góp cho ngành Y tế Việt Nam (2009), Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an vì đã có nhiều thành tích trong thực hiện ghép thận thành công và hỗ trợ thiết bị, vật tư y tế với Bệnh viện 19/8, Bộ Công an (2010). Đối với bác sĩ Hoàng Anh Dũng, niềm vui của ông là được khoác trên mình chiếc áo blouse, là được thấy những mạch máu hồng lưu thông trở lại sau mỗi ca phẫu thuật. Nhưng, niềm vui ấy còn nhân lên nhiều lần khi ông được góp một phần sức lực nhỏ bé của mình để giành lại sự sống cho bệnh nhân, để mang lại hạnh phúc vẹn tròn cho hàng nghìn gia đình tại quê nhà – đất Việt thân yêu.
Giúp người thì hãy quên đi,
Ơn người lớn nhỏ phải ghi nhớ hoài.
Giúp ai phải biết ơn người,
Cho ta cơ hội được vui với người.[8]
Lời căn dặn đó của người cha đáng kính, người đồng nghiệp tận hiến với nghề – cụ Hoàng Bá luôn là kim chỉ nam trong mọi suy nghĩ và hành động của bác sĩ Hoàng Anh Dũng. Chắc chắn rằng tình yêu đối với quê hương, đất nước và lòng nhiệt tâm, trách nhiệm đối với ngành Y học nước nhà sẽ còn cháy mãi trong ông.
Nam Vũ
___________________
* Bác sĩ Hoàng Anh Dũng, nguyên Phó Trưởng khoa Ghép tạng dưới cơ hoành, Bệnh viện Erasme, thuộc Đại học Tự Do Bruxelles, Vương quốc Bỉ; Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế thuộc Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội.
[1] Lúc này, ông đã lập gia đình và có hai người con.
[2] Tài liệu ghi âm bác sĩ Hoàng Anh Dũng, ngày 18-6-2022, lưu tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[3] Hội đồng Ngoại khoa của Bộ Y tế Vương quốc Bỉ gồm 12 Giáo sư của 7 trường Đại học Y khoa.
[4] Tài liệu ghi âm bác sĩ Hoàng Anh Dũng, ngày 21-9-2022, lưu tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[5] GS El Nakadi là chuyên gia về Ngoại khoa, một người bạn thân của bác sĩ Hoàng Anh Dũng tại Vương quốc Bỉ.
[6] Ghi âm bác sĩ Hoàng Anh Dũng, ngày 19-2-2022, tài liệu lưu tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[7] Phần lớn mỗi thận có 1 động mạch thận; tuy nhiên, một số trường hợp có 2-3-4 động mạch thận ở thận phải hoặc thận trái.
[8] Bản thảo “Suy tư và gia huấn về tu thân, xử thế” của bác sĩ Hoàng Bá, lưu tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, tr.71.