Giới thiệu với nghiên cứu viên của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam bức sơn dầu “Trên đồi hoang”, họa sĩ Phạm Công Thành nói: “Tôi rất quý bức tranh này bởi đây là bài thi tốt nghiệp của tôi, nó đã thể hiện tương đối đầy đủ những kiến thức hội họa tôi học được ở trường” .
Bài thi tốt nghiệp của GS.Họa sĩ Phạm Công Thành, năm 1962
Họa sĩ Phạm Công Thành chia sẻ, trong Hội họa được phong hàm Giáo sư thường khó hơn các ngành khác. Năm 1991, ông vinh dự được phong hàm Giáo sư nên cảm thấy rất vui. Trong suốt 40 năm công tác tại trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, ngoài công tác giảng dạy, sáng tác ông còn nghiên cứu về lĩnh vực Ngôn ngữ học, Triết học, Kinh dịch… .Ông đã sáng tác hàng trăm bức tranh sơn mài, sơn dầu, tranh lụa có giá trị nghệ thuật cao, trong số đó có bức được trưng bày ở các bảo tàng Mỹ thuật thế giới: Stockholm (Thụy Điển); Ba Lan…Hiện nay ở Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội đang lưu giữ, trưng bày 7 bức tranh của ông. Những bức tranh nổi tiếng của Họa sĩ Phạm Công Thành thường mang những nét đặc trưng truyền thống của dân tộc và “hồn quê” sâu lặng. Ông được đồng nghiệp đánh giá cao về sự say mê nghiêm túc trong sáng tạo nghệ thuật và giới Mỹ thuật thường gọi ông với cái tên dí dỏm và đầy thán phục là "chuyên gia Trâu, Tre, Chuối”.
Giáo sư Phạm Công Thành giới thiệu về Bức vẽ cảnh lao động của người dân,
trên chất liệu vải lụa, ông đang hoàn thiện
Đến nay, GS. Họa sĩ Phạm Công Thành đã ngoài tuổi 80 nhưng ông vẫn là lực lượng nòng cốt giảng dạy, đào tạo về các chuyên đề: Lịch sử Mỹ thuật, Luật xa gần, Giải phẫu tạo hình… cho hệ Sau đại học của trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, cũng như một số trường văn hóa nghệ thuật khác. Ông là Ủy viên Ban chuyên ngành Hội họa của Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam (1989-1994).
Trong buổi làm việc, Họa sĩ Phạm Công Thành trao tặng Trung tâm hai bộ phim về ông đã được phát trong chương trình “Văn nghệ chủ nhật” và “Người của công chúng” của Đài truyền hình Việt Nam; Ông cũng chia sẻ dự định viết tự truyện của mình.
Lưu Thị Thúy
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam