Kể chuyện nghề tại hội thảo
Sáng ngày 16-12, đại diện Chi hội nữ trí thức Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã tham dự hội thảo “Phụ nữ trí thức với hòa bình và thịnh vượng”. Hội thảo do Vụ Các Tổ chức Quốc tế - Bộ Ngoại giao, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, Hội Nữ trí thức Việt Nam – Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Ban vận động Mỹ thuật & Ngoại giao Văn hóa Việt Nam cùng phối hợp tổ chức tại Trung tâm Thông tin – Văn hóa Hồ Gươm, Hà Nội.
GS.TS, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Huỳnh Thị Phương Liên, PGS.TS Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Nguyễn Thị Trâm, TS Hà Phương Thư, ThS Lê Thị Khánh Vân và ThS Nguyễn Thị Hương Liên là các diễn giả trong hội thảo.
Các diễn giả tại Hội thảo. Từ trái sang: ThS Lê Thị Khánh Vân , PGS.TS Nguyễn Thị Trâm, GS.TS Huỳnh Thị Phương Liên, ThS Nguyễn Thị Hương Liên và TS Hà Phương Thư
Tại Hội thảo, các diễn giả đã giới thiệu những công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc, được ứng dụng vào thực tế, không chỉ góp phần vào sự sự phát triển khoa học của đất nước mà còn làm rạng danh dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế. GS Huỳnh Thị Phương Liên kể câu chuyện xây dựng một phòng thí nghiệm để sản xuất vắc-xin tả, thương hàn và đậu mùa chống chiến tranh vi trùng tại chiến trường khu V. Bà cũng là người tập trung nghiên cứu và thành công với hai loại vắc-xin viêm não Nhật Bản thế hệ 1 và vắc-xin viêm não Nhật Bản thế hệ 2. PGS.TS Nguyễn Thị Trâm cả đời say mê với cây lúa, từng khai sinh ra nhiều giống lúa lai năng suất cao, chất lượng tốt, có hương vị thơm ngon và giá trị kinh tế tự hào khi chia sẻ giống lúa lai 2 dòng đầu tiên TH3, bà đã bán bản quyền trị giá 10 tỷ đồng. Còn nhà khoa học nữ trẻ TS Hà Phương Thư chia sẻ những nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano trong y-dược học. TS Thư quan niệm, cái đích cuối cùng của khoa học là phục vụ cuộc sống, do đó bà sẽ đi đến cùng, tiếp tục các nghiên cứu ứng dụng, vừa phục vụ đời sống lại đem lại hiệu quả kinh tế. Với sự trình bày của hai diễn giả ThS Lê Thị Khánh Vân và ThS Nguyễn Thị Hương Liên, khách mời có thêm những hiểu biết về vai trò quan trọng của việc kết nối giữa nghiên cứu khoa học và việc phát triển các sản phẩm từ nghiên cứu khoa học.
Không gian hội thảo
Ba nhà khoa học là GS.TS Huỳnh Thị Phương Liên, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm và TS Hà Phương Thư đã được Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam tiếp cận nghiên cứu, sưu tầm trong những năm vừa qua. Những câu chuyện của nhà khoa học chia sẻ tại hội thảo là nguồn tư liệu quý báu, tiếp tục làm sáng tỏ câu chuyện làm khoa học, những dự định và tình yêu cháy bỏng của họ đối với khoa học.
Hoàng Thị Liêm
Tin khác
- Nước ta có gang từ bao giờ?
- Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam: Hành trình 2 năm truyền cảm hứng
- GS.TSKH Lê Đức An: Trọn đời với địa lý, địa mạo Việt Nam
- Thầy giáo U90
- Cuốn sách gắn với nhà nông
- Tọa đàm Quyền và trách nhiệm đối với tài liệu lưu trữ
- Vai trò của nhà thiết kế - chủ đề tọa đàm số 6 tổ chức tại MEDDOM
- Học trong lò bánh mỳ
- Người lật tìm “tử ngữ” văn chương
- Khoa học và cuộc sống