Kiểm kê bộ sưu tập lưu trữ cá nhân đồ sộ của GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân

 Bộ sưu tập đồ sộ của một trong những chuyên gia đầu ngành về chấn thương chỉnh hình quân đội được Trung tâm Di sản các nhà khoa học tiếp nhận trong hai đợt: Đợt một vào cuối năm 2009, và đợt hai vào tháng 5/2010. Bộ sưu tập này đã được GS. TSKH Nguyễn Văn Nhân lưu giữ trong suốt cuộc đời làm khoa học của ông. Những tài liệu hiện vật có thời gian sớm nhất là cách đây hơn 60 năm, muộn nhất là vào năm 2010. Ngay sau khi tiếp nhận, Trung tâm đã khẩn trương bắt tay ngay vào thực hiện quy trình của công tác kiểm kê khoa học. Công việc bao gồm:

      – Vệ sinh, bảo quản bước đầu.

      – Phân loại.

      – Xác minh thông tin hiện vật.

      – Viết phiếu tài liệu hiện vật.

      – Vào sổ đăng ký hiện vật.

Vệ sinh, bảo quản bước đầu: Bộ sưu tập mặc dù đã được GS Nhân và gia đình lưu giữ rất cẩn thận, nhưng do thời gian và điều kiện thời tiết khí hậu, cùng với điều kiện bảo quản tại gia đình không được đảm bảo, nên nhiều tài liệu giấy bắt đầu tự phân hủy, một số tài liệu bị côn trùng phá hoại. Chính vì vậy, việc đầu tiên khi tiếp nhận khối tư liệu này, Trung tâm đã tiến hành làm vệ sinh, tháo gỡ toàn bộ các đinh ghim bằng kim loại han rỉ, loại bỏ côn trùng gây hại. Đối với khối hiện vật bằng kim loại và các chất liệu khác, Trung tâm cũng đã thực hiện việc bảo quản bước đầu. Đây là công đoạn đầu tiên vô cùng quan trọng để bảo vệ toàn bộ tài liệu hiện vật, hạn chế tối đa những tác động bên ngoài tiếp tục làm hư hại cho tài liệu hiện vật.

Phân loại: Khối tài liệu hiện vật sưu tầm về, Trung tâm tiến hành phân loại sơ bộ, dưới sự hướng dẫn của chuyên gia lưu trữ Ngô Thiếu Hiệu, nguyên Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1, bao gồm: Bản thảo các bài viết, công trình nghiên cứu; Bệnh án; Thư từ; Luận án của nghiên cứu sinh do Giáo sư Nhân hướng dẫn; Dụng cụ, đồ dùng sử dụng trong phẫu thuật; Các kỷ vật cá nhân; Phim ảnh; Băng đĩa ghi âm ghi hình. Giai đoạn 2, tài liệu hiện vật được phân loại chi tiết hơn: Khối bản thảo phân ra thành tài liệu về chuyên môn và nghiên cứu khoa học; tài liệu về hành chính và tổ chức. Khối thư từ được phân thành thư của Giáo sư gửi cho gia đình; Thư của bạn bè đồng nghiệp gửi cho Giáo sư; Thư của bệnh nhân gửi cho Giáo sư và ngược lại. Khối Luận án, Công văn, Quyết định được đưa về từng nghiên cứu sinh và xếp tên nghiên cứu sinh theo ABC. Khối hiện vật được sưu tập lại thành từng bộ.

Xác minh: Để hiện vật cất lên tiếng nói đúng với giá trị lịch sử và khoa học của chúng, Trung tâm đã tiến hành đối chiếu từng hiện vật với bản bóc băng ghi âm và đối chiếu với băng ghi hình phỏng vấn Giáo sư do Trung tâm thực hiện trong quá trình nghiên cứu sưu tầm tài liệu hiện vật. Riêng khối bản thảo, Trung tâm sẽ tiếp tục tiến hành nghiên cứu phân loại theo những công trình nghiên cứu khoa học và sáng tạo của Giáo sư cho ngành chấn thương chỉnh hình của Việt Nam.

Viết Phiếu tài liệu hiện vật: Mỗi tài liệu hiện vật được tiến hành viết phiếu thông tin. Phiếu hiện vật gồm 19 tiêu chí theo quy định của Trung tâm, đảm bảo các yếu tố cần thiết của mỗi một hiện vật bảo tàng. Trong phiếu hiện vật bao hàm đầy đủ những thông tin đã xác minh được về từng tài liệu hiện vật. Phiếu hiện vật là một trong những văn bản quan trọng của Hồ sơ hiện vật. Phiếu hiện vật được cán bộ quản lý thẩm tra, đảm bảo tính khoa học và tính chính xác.

Vào Sổ đăng ký hiện vật: Tháng 11/2010, 5.000 tài liệu hiện vật trên của GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân sẽ được vào Sổ đăng ký hiện vật.

Toàn bộ khối tài liệu hiện vật này sẽ được lập Kế hoạch bảo quản kỹ thuật, nhằm lưu giữ lâu dài trong hệ thống Kho cơ sở của Trung tâm, phục vụ cho công tác nghiên cứu, trưng bày sau này.

Kiểm kê, phân loại khối hiện vật của GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân

 Ths. Phí Thị Mùi