Phó giáo sư, tiến sĩ Ngô Thu Thanh (sinh 1938, nguyên quán Hà Tĩnh), là nhà khoa học ngành Kiến trúc, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và phát triển đô thị – nông thôn. Ông là một trong những nhà khoa học đầu tiên được đào tạo bài bản về chuyên ngành kiến trúc công nghiệp, có đóng góp trong việc tham gia thiết kế các nhà máy, khu công nghiệp, xí nghiệp vật liệu xây dựng, cơ khí kiến trúc, quy hoạch các nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội và Huế…
Phó giáo sư Ngô Thu Thanh sinh tại Lào, theo gia đình bên ngoại về Việt Nam sống từ năm 1946. Năm 1950, sau khi ông ngoại mất, gia đình chuyển từ quê (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây ) ra Hà Nội sinh sống. Năm 1951, cả gia đình chuyển nhà từ khu vực bến xe Kim Mã đến số nhà 51 Hàm Nghi (nay là đường Trần Phú Hà Nội. Khi chuyển đến đây, ông theo học lớp nhất (tương đương với lớp 5 ngày nay) trường công Đỗ Hữu Vị ở gần ngã tư Cửa Bắc – Quán Thánh.
Tháng 4-1952, kỳ thi tốt nghiệp tiểu học đang đến gần. Khi ấy, tại các khu vực Pháp chiếm đóng và dưới sự quản lý của chính quyền Bảo Đại, trong đó có thành phố Hà Nội, tất cả học sinh muốn thi tốt nghiệp tiểu học đều phải làm đơn xin thi. Ở vùng tự do thì khác, từ tháng 7-1950, Hội đồng Chính phủ Liên hiệp kháng chiến chính thức thông qua “Đề án cải cách giáo dục”, cho thi hành hệ thống trường phổ thông 9 năm (trước đó là 12 năm) và chương trình giảng dạy mới. Theo đó, các kỳ thi cuối cấp được xoá bỏ, chỉ có cuối năm lớp 9 học sinh phải trải qua một kỳ thi tốt nghiệp nhẹ nhàng nhằm mục đích kiểm tra tổng quát những kết quả học tập và rèn luyện.
Mỗi học sinh Đỗ Hữu Vị được nhận 2 lá đơn xin thi bằng tiểu học nhưng chỉ cần nộp 1 bản. Gần 2 tháng sau ngày nộp đơn, kỳ thi tốt nghiệp tiểu học diễn ra trong hai ngày mồng 4 và 5 tháng 6. Học sinh trường Đỗ Hữu Vị thi tại hội đồng IV ở trường Nguyễn Công Trứ trên phố Hàng Than. Thí sinh phải mang theo thẻ học sinh hoặc giấy dự thi có dán ảnh. Số báo danh xếp thứ tự theo bảng chữ cái tiếng Việt. Trong hai ngày thi đó, các thí sinh phải hoàn thành hai phần: thi viết và thi vấn đáp.
Một tháng sau, các học sinh thi đỗ được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp và chờ khoảng 2 tháng nữa thì có bằng Tiểu học. Nếu không đỗ kỳ thi này, sẽ không thể học tiếp lên trung học. phó giáo sư Ngô Thu Thanh cho biết thêm, thi tốt nghiệp tiểu học thời ấy rất nghiêm túc, có cảnh sát canh gác tại địa điểm thi. Hàng năm đều có nhiều người trượt và phải thi lại, thậm chí ngoài 30 tuổi mới có bằng Tiểu học cũng là chuyện bình thường. Sau khi lấy bằng Tiểu học, người ta có thể đi làm thư ký cho một số cơ quan hoặc đi dạy học tại các trường làng. Sau 68 năm, đến nay tờ đơn đã ố vàng, quăn các góc và rách một chút ở mép. Ông giữ gìn nó vì sở thích lưu trữ tài liệu, đặc biệt trong cuộc đời đi học của ông thì đây là bằng chứng chân thực về kỳ thi đầu tiên, sau 6 năm từ Lào về nước sinh sống và học tập.
Câu chuyện về lá đơn xin thi lấy bằng Tiểu học và kỳ thi tốt nghiệp tiểu học năm 1952 của Phó giáo sư, tiến sĩ Ngô Thu Thanh chẳng khác nào một chuyện “cổ tích” đối với học sinh thời nay. Ông đã trải qua thời tiểu học và thi tốt nghiệp tiểu học như thế, để rồi học tập không ngừng và về sau trở thành một nhà khoa học trong lĩnh vực kiến trúc.