Lần đầu tiên tổ chức lễ tiếp nhận tài liệu hiện vật tại thành phố Hồ Chí Minh

Nhân vật chính của buổi lễ là GS.TS.NGND Bùi Khánh Thế – nhà ngôn ngữ học, nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh (nay là trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Tp. Hồ Chí Minh). Đại diện Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam có PGS.TS Nguyễn Văn Huy và các nghiên cứu viên. Ngoài ra, buổi lễ có sự tham gia của GS.TS Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Liên hiệp hội Khoa học Kỹ thuật Tp Hồ Chí Minh; PGS Mạc Đường, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Tp Hồ Chí Minh; ông Bùi Chí Chung, Giám đốc chi nhánh Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC tại Tp. Hồ Chí Minh và đông đảo các nhà khoa học, các cán bộ giảng dạy thuộc khoa Việt Nam học, Ngôn ngữ học trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Tp. Hồ Chí Minh. Nhiều phóng viên của các báo, đài truyền hình cũng có mặt để đưa tin về sự kiện đặc biệt này.

Từ tháng 5-2016, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đặt vấn đề nghiên cứu sưu tầm tài liệu hiện vật của GS.TS.NGND Bùi Khánh Thế và được ông tin tưởng trao tặng khối tài liệu hiện vật quý với nhiều loại hình. Tiêu biểu trong số đó là hàng trăm cuốn nhật ký điền dã, nghiên cứu về ngôn ngữ được ông ghi chép và lưu giữ từ những năm 60 đến những năm 80 của thế kỷ trước; hàng trăm bản thảo nghiên cứu và bộ sưu tập thư trao đổi với các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước…

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Văn Huy nhận định: “Đây không chỉ là một khối tài liệu lớn có giá trị để nghiên cứu về cuộc đời một con người, để hiểu sự lao động cần cù, miệt mài, sáng tạo của một nhà khoa học, mà thông qua đó còn có thể nhìn rộng hơn về công tác nghiên cứu khoa học, về môi trường học thuật trong ngành ngôn ngữ học ở nước ta nửa sau thế kỷ XX”.

GS.TS.NGND Bùi Khánh Thế xúc động bày tỏ: “Tôi tin tưởng và hy vọng rằng những tư liệu khiêm tốn này sẽ góp vào việc thực hiện mục tiêu cao quý của Trung tâm là lưu giữ di sản của các nhà khoa học Việt Nam và khai thác để phục vụ cho khoa học và phát triển…”

Từ năm 2012 Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam mở rộng phạm vi hoạt động, trước hết là tại thành phố Hồ Chí Minh. Trong 5 năm liên tiếp, Trung tâm đã tiếp cận với hơn 70 nhà khoa học và gia đình nhà khoa học tại thành phố Hồ Chí Minh, như: GS Lê Văn Thiêm, GS Trương Công Trung, PGS Lê Văn Sáu, PGS Mạc Đường, GS Vũ Công Hòe, GS Nguyễn Đình Ngọc, GS Lê Đình Kỵ, GS Nguyễn Ngọc Giao… Nhiều nhà khoa học và gia đình nhà khoa học đã tin tưởng trao tặng toàn bộ di sản cho Trung tâm, trong đó có GS.TS.NGND Bùi Khánh Thế.

Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS Nguyễn Ngọc Giao chia sẻ: “Ở nước ta, ý thức lưu trữ rất kém do hoàn cảnh kinh tế – xã hội… Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam ra đời là một bước để khắc phục tình trạng đó. Tôi đánh giá cao hoạt động của Trung tâm trong thời gian vừa qua. Tôi rất cảm kích được tham dự buổi lễ hôm nay”. Nhắc tới người đồng nghiệp cũ, ông nói: “Anh Thế luôn luôn là một nhà khoa học nghiêm túc. Tôi đánh giá cao điều đó. Vừa nãy anh có nói rằng anh may mắn vì được tiếp xúc với những “người hiền”. Còn tôi nói rằng anh ấy là một “người hiền””.

Thành công của buổi lễ tiếp nhận này chính là bước khởi đầu tốt đẹp của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam tại vùng trời mới, mở đường cho những sự kiện tiếp nhận tài liệu hiện vật của các nhà khoa học trên phạm vi cả nước.

Dưới đây là một số hình ảnh tại buổi lễ:

Toàn cảnh buổi lễ

 PGS.TS Nguyễn Văn Huy 

 GS.TS.NGND Bùi Khánh Thế

GS.TS.NGND Bùi Khánh Thế và PGS.TS Nguyễn Văn Huy

làm lễ bàn giao tài liệu hiện vật

 GS.TS Nguyễn Ngọc Giao 

 PGS.TS Mạc Đường 

 Các khách mời và cán bộ Trung tâm DSCNKHVN chụp ảnh lưu niệm tại buổi lễ

 Đỗ Minh Khôi-Lục Tiến Mạnh

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam