Lấy chồng làm khoa học

Bà nhớ về ông, nhớ về những năm tháng ngọt ngào xen lẫn nỗi tủi thân của một người vợ có chồng làm khoa học. Ông hầu như vắng mặt trong những thời điểm khó khăn nhất của đời bà. Lần đầu vào năm 1974, khi đứa con đầu lòng chưa kịp chào đời, ông vội vã lên tàu sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh, bà cắn răng vượt cạn bên nhà ngoại. Bốn năm sau, ông trở về với tấm bằng Phó tiến sĩ. Ông vẫn đẹp trai, phong độ như hồi còn đứng lớp giảng bài ở trường Đại học Kinh tế kế hoạch[1], thậm chí còn “oách” hơn. Cô sinh viên[2] xinh xắn, vô ưu ngày nào từng là mục tiêu theo đuổi của biết bao chàng trai, giờ đây gương mặt đã hằn lên những lo toan, khắc khổ. Đứa con trai bỡ ngỡ rụt rè khi lần đầu tiên trong đời được gặp bố. Chưa đầy 10 năm sau, ông trở lại Liên Xô làm thực tập sinh cao cấp tại trường Đại học Kinh tế quốc dân Matxcơva (1987-1990). Bà lại gồng mình lên để gánh vác việc nhà, nuôi dạy con cái – lần này thì đã có thêm đứa thứ hai – Mai Khanh, 8 tuổi, kém anh trai Mai Lâm 5 tuổi.

Trong bức thư tỏ tình dài 10 trang ông viết gửi cho bà năm 1972, có đoạn: “Anh nghĩ rằng đối với bọn anh, không có con đường nào đúng đắn và trong sạch hơn là tự mình lao động khoa học… Lao động khoa học đòi hỏi một sự hy sinh âm thầm, ít ai biết đến. Vì vậy anh chỉ đòi hỏi ở người bạn đời một sự thông cảm với ước mơ chính đáng đó, một sự thông cảm tinh thần. Đó cũng là điều hạnh phúc rồi”[3]. Con người đầy hoài bão, và chân thành, hiền hậu “như hạt thóc, củ khoai”[4] ấy đã sớm dự báo cho bà những thiệt thòi. Biết thế, nhưng… duyên số mà!

 

Gia đình GS.TSKH Đặng Như Toàn, năm 1980

Những năm 1980, gia đình ông bà ở nhờ trong một ngách cầu thang vỏn vẹn 6m2 nằm sâu hun hút trong địa chỉ gồm nhiều hộ gia đình, số 18 phố Hàng Hòm, Hà Nội. Ở đó, ngày tưởng như đêm. Ánh sáng yếu ớt không đủ để nhìn rõ mặt người. Mỗi buổi sáng sớm, bà phải lấp lại vài cái hố dưới nền nhà mà đêm trước lũ chuột kỳ công đào lên và tha về những rác rưởi từ khắp nơi. Thế nhưng căn phòng nhếch nhác ấy cũng vinh dự được trở thành “lò đào tạo” rất nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh thành tài, dưới sự hướng dẫn của ông. Bà bảo: “Có nhiều lúc vào mùa hè nóng nực, ngồi ở nhà không được, ông mặc quần đùi, áo may ô, khăn vắt trên cổ, ngồi kê vở lên đùi, soạn giáo trình ngoài vỉa hè”[5]. Ngày đó, sau giờ làm bà tranh thủ bày thúng quà vặt được mua từ chợ Bắc Qua ra vỉa hè để bán cho trẻ con ngoài phố. Một hôm, đang ngồi bán hàng, bà nhác thấy ông Đinh Văn Đức[6] – một giảng viên khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội đi về phía nhà mình. Bà vội vàng lấy lồng bàn che lại rồi cắp thúng quà cất vào trong gầm cầu thang. Bọn trẻ nhao nhao nài nỉ. Đứa thì: “Cô Mai ơi bán cho cháu nắm bỏng bột”. Đứa thì: “Cô Mai ơi bán cho cháu quả dưa chuột”… Khổ nỗi, càng vờ như không nghe thấy gì thì bọn trẻ lại càng kêu tợn. Ông Đức lại gần, nói: Mai ơi! Bạn cứ bày ra mà bán, không việc gì phải xấu hổ. Chúng tớ thấy khổ tâm lắm. Chính chúng tớ mới là những người đáng xấu hổ. Chúng tớ mang tiếng là Tiến sĩ, là giảng viên đại học mà không nuôi nổi vợ con mình.

Trước khi về địa chỉ số 11, C9, tập thể Đại học Kinh tế quốc dân như hiện nay, gia đình ông bà đã 12 lần chuyển nhà. Nhiêù lần chuyển là thế, nhưng hầu như căn nhà nào cũng tuềnh toàng và chật chội. Một đôi lần ông ước ao có được căn nhà rộng rãi, ông sẽ thiết kế một căn phòng để làm thư viện, tha hồ chứa sách vở, tài liệu. Năm 1999, trường Đại học Kinh tế quốc dân phân chia đất cho các cán bộ của trường. Nhận phần của mình, ông vui sướng vô cùng. Gia đình quyết tâm dựng căn nhà rộng rãi, có phòng thư viện để thỏa lòng mơ ước cả cuộc đời ông. Căn nhà chưa kịp hoàn thành thì gia đình phát hiện ông bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Bà gác lại toàn bộ công việc để đưa ông đi chạy chữa khắp nơi. Bà đưa ông sang tận Quảng Đông, Trung Quốc để chữa bệnh tới 2 lần nhưng không qua khỏi. Những ngày cuối cùng của cuộc đời, ông chu đáo dặn dò cả gia đình những công việc quan trọng trong một tờ giấy với nét chữ run rẩy, nguệch ngoạc. Với bà, ông gắng gượng nói lên thành tiếng: “Một ngàn lần anh muốn nói: Anh yêu em”. Ngày 3-7-2000 (tức 2-6 âm lịch), ông về cõi khác, mang theo những ước mơ rất đỗi đời thường và giản dị. Bà lặng lẽ sắp xếp lại các tài liệu hiện vật của ông trong một góc phòng.

Ngày 23-6-2015, bà trao tặng gần 1000 tài liệu hiện vật của ông cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam lưu giữ. Bà tin rằng ông sẽ toại nguyện, bởi sinh thời ông vẫn “luôn luôn ước mơ cống hiến cho đời một cái gì đó, dù chỉ là một sự gợi ý nhỏ”[7]. Xưa nay bà vẫn thế, hết mực chiều chồng.

Ngoài phố, người ta đang treo những khẩu hiệu hưởng ứng ngày Gia đình Việt Nam, 28-6-2015. Tôi lại nghĩ đến bà, nghĩ đến những người phụ nữ có chồng làm khoa học. Và họ chính là linh hồn, là điểm tựa vững chãi của những mái nhà ấy.

Đỗ Minh Khôi

 


  * GS.TSKH Đặng Như Toàn – nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kinh tế và quản lý môi trường, Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội.

[1] Nay là Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.

[2] Bà Nguyễn Thị Mai từng là sinh viên khoa Kế hoạch, trường Đại học Kinh tế kế hoạch (nay là khoa Kinh tế phát triển, Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội), khóa học 1968-1972. Thời gian này, bà được học môn Địa lý kinh tế Việt Nam do thầy Đặng Như Toàn giảng dạy.

[3];[7]Trích thư GS.TSKH Đặng Như Toàn gửi vợ – bà Nguyễn Thị Mai, năm 1972. Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[4] GS.TSKH Đặng Như Toàn tự so sánh mình, trong một bức thư gửi cha mẹ, ngày 20-8-1990. Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[5] Phỏng vấn bà Nguyễn Thị Mai, phu nhân cố GS.TSKH Đặng Như Toàn, ngày 15-6-2015.

[6] GS.TS Đinh Văn Đức, nguyên Chủ nhiệm khoa Ngôn ngữ học, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (1996-2004).