Món quà của thầy

Năm 1972, khi đang phụ trách lớp thí điểm phục hồi chức năng cho trẻ điếc, bác sĩ Phạm Kim xung phong cùng đoàn cán bộ của Bộ Y tế vào Quảng Trị để tăng cường lực lượng y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân các vùng mới được giải phóng. Dù rất lo lắng cho người học trò nhưng GS Trần Hữu Tước (Viện trưởng Viện Tai Mũi Họng Trung ương) vẫn tôn trọng quyết định của BS Phạm Kim. Trước ngày lên đường, GS Trần Hữu Tước đã gặp và tặng học trò một hộp dụng cụ khám bệnh tai mũi họng, trong đó có chiếc kẹp gắp dị vật được mua tại Pháp kèm theo lời chúc “Tặng Kim, đi may mắn, thắng lợi”.

Chiếc kẹp gắp dị vật

Chiếc kẹp được BS Phạm Kim giữ gìn cẩn thận, bọc trong giấy báo và luôn cất trong túi áo. Khi vào đến Quảng Trị, ông cùng đồng nghiệp tổ chức khám bệnh cho người dân tại nhiều thôn, xã của huyện Vĩnh Linh. Chiếc kẹp nhỏ đã phát huy giá trị, giúp ông gắp các dị vật trong tai, mũi, họng nhiều nhất là lấy ráy tai (theo tiếng địa phương gọi là cái đeéng) đem lại sự thoải mái cho người dân khi đến khám tai.

PGS Phạm Kim tặng hiện vật cho nghiên cứu viên Trung tâm

Không chỉ khám bệnh ở Vĩnh Linh, đoàn cán bộ của Bộ Y tế còn được lệnh vượt sông Bến Hải vào Gio Linh khám bệnh cho người dân vùng mới giải phóng. Ngày 18-7-1972, đoàn được lệnh trở về Hà Nội, kết thúc đợt công tác. Dù sau này có nhiều thiết bị hiện đại nhưng chiếc kẹp gắp dị vật vẫn là dụng cụ hỗ trợ đắc lực BS Phạm Kim trong công tác khám bệnh. Đây là hiện vật quý để Trung tâm Di sản trưng bày, giới thiệu về lịch sử ngành tai mũi họng trong tương lai.

Lê Nhật Minh