Một quyết định đầy khó khăn
Đó là quyết định trở về Việt Nam sau 3 năm học tập bên Pháp của PGS Đinh Gia Tường* và được ông chia sẻ với Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, ngày 29-2-2016.
Năm 1956, sau 3 năm học và tốt nghiệp trường Hàng hải Ecole Navale (Pháp), ông Đinh Gia Tường quyết định trở về Việt Nam. Tích góp tiền trong thời gian học tại đây, ông khăn gói về nước với mong muốn đóng góp sức mình cho đất nước. Người bạn đồng hành cùng ông cũng là người bạn nối khố - ông Phương Xuân Nhàn[1]. Đầu tiên, Đinh Gia Tường và Phương Xuân Nhàn về Sài Gòn rồi tìm cách vượt biên sang Campuchia và Lào để men theo đường biên giới ra miền Bắc. Ông chia sẻ “Có thời gian chúng tôi đi 10 ngày đường rừng thì 8 ngày ăn cơm nếp, 2 ngày còn lại thì phải ăn gạo sống và uống nước suối”. Nhiều lần hai người bị các trạm quân đội của hai nước này bắt giam và tưởng không thể sống sót. Khoảng tháng 10-1957, hai người ra đến Hà Nội kết thúc cuộc hành trình đầy khó khăn nguy hiểm.
PGS Đinh Gia Tường
Sau đó, Đinh Gia Tường được phân về giảng dạy tại bộ môn Cơ khí, Đại học Bách khoa và trở thành một trong những người có nhiều đóng góp cho bộ môn. Nói về quyết định của mình cách đây hơn nửa thế kỷ, PGS Đinh Gia Tường chia sẻ: “Tôi không hề do dự khi quay về để phục vụ đất nước và đến bây giờ tôi vẫn hài lòng với quyết định ấy. Với tôi, việc truyền thụ kiến thức cho sinh viên là điều khiến tôi hạnh phúc”.
Lê Thị Hoài Thu
* Là nhà khoa học chuyên ngành cơ khí, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội.
Tin khác
- Lộ trình ngược của vị Phó giáo sư kinh tế
- “Học phải tìm đến gốc”
- Gặp nhà khoa học nghiên cứu về rau an toàn
- Vì “mê” nên chọn
- Tiếp nhận tài liệu ngành y học và nông nghiệp
- Âm thầm với khảo cổ học cộng đồng
- Tôi đến với chèo là duyên, là phận
- Nghiên cứu khoa học gắn liền với thực tiễn sản xuất
- Thông báo tổ chức tọa đàm số 5
- Chiếc máy ảnh Konica – “người bạn đường” của GS.TS Ngô Đắc Chứng