Trước năm 1975, GS Chu Phạm Ngọc Sơn giảng dạy tại Đại học Sài Gòn. Sau ngày thống nhất đất nước, nhiều người, kể cả 7 anh em ruột và gia đình nhỏ của ông, đã lựa chọn con đường ra nước ngoài sinh sống, còn ông quyết định ở lại mảnh đất quê hương, phục vụ Tổ quốc. Trong bối cảnh đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh, cuộc sống của nhân dân còn cực khổ, việc ở lại là chấp nhận những khó khăn, thách thức của thực trạng kinh tế – xã hội lúc bấy giờ.
GS Chu Phạm Ngọc Sơn (trái) và PGS Nguyễn Văn Huy. Tp. Hồ Chí Minh, 5- 2019
Là giảng viên của Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, chấp nhận những thách thức, sự mất mát của thời cuộc, GS Chu Phạm Ngọc Sơn đã dành hết tâm sức để nghiên cứu và đào tạo các thế hệ học trò… Năm 1981, ông được Nhà nước phong học hàm Giáo sư. Trong suốt cuộc đời làm khoa học, ông tâm đắc nhất với những nghiên cứu ứng dụng cho thành phố Hồ Chí Minh sau giải phóng, bởi lúc đó thành phố thiếu thốn đủ thứ. Ông say sưa kể với chúng tôi chuyện chế sơn từ hạt cao su, làm sơn ta từ hạt điều, tìm ra quy trình cất nước tương không nhiễm 3-MCPD, nghiên cứu tinh dầu trầu có thể ức chế bệnh tay chân miệng,… Là một nhà nghiên cứu khoa học cơ bản nhưng những kết quả lao động của ông đều xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và phục vụ thực tiễn.
Cuộc đời và tấm lòng yêu nước trong sáng của GS Chu Phạm Ngọc Sơn thật đáng để thế hệ sau học tập. Những câu chuyện về ông và những người có hoàn cảnh như ông sẽ còn được nhớ mãi, như một phần lịch sử của Sài Gòn.
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam