Mua cá không xương
Ngày 20-1-2021, GS.TS Trương Đình Dụ - nguyên Viện phó Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam tiếp tục trao tặng tài liệu cá nhân và chia sẻ những câu chuyện cuộc đời mình với Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
Các tài liệu GS.TS Trương Đình Dụ trao tặng Trung tâm bao gồm thư, quyết định, ảnh công tác, đặc biệt là bằng tốt nghiệp trường đại học Bách khoa Hà Nội, năm 1963.
GS.TS Trương Đình Dụ
Năm 17 tuổi (1955), Trương Đình Dụ thi đỗ vào trường cấp 3 Phan Đình Phùng ở thị xã Hà Tĩnh, cách nhà 20 cây số. Thương con đi học vất vả nên bố mẹ quyết định cho con đi ở trọ nhà ông Thịnh gần trường. Ông Thịnh vốn làm nghề kéo xe tay, tuổi đã cao nên chuyển sang bán nước cùng vợ kiếm sống qua ngày. Mỗi tháng, Trương Đình Dụ cùng bạn Đặng Bá Liềm, người ở xã Đại Lộc, Can Lộc về nhà lấy tiền và 10 cân gạo gửi ông Thịnh nấu cơm giúp. Cuộc sống lúc đó rất khó khăn, hầu như các bữa cơm đều phải độn thêm khoai, sắn. Một hôm, Trương Đình Dụ thấy bữa cơm chỉ có mấy con cá mắm rán thì buột miệng nói: Cá này nhiều xương lắm. Ông Thịnh tự ái nói: Mai tôi đưa tiền cho chú xuống chợ mua cá không xương. Biết mình lỡ lời nên ông rất hối hận. Ông thấu hiểu nguyên nhân khiến cuộc sống vất vả của người dân nên quyết tâm đi theo ngành thủy lợi. Ông đã thiết kế nên nhiều công trình thủy lợi cho đất nước như đập Thảo Long, Huế, cống sông Dinh, Ninh Thuận, hay các công trình ở tỉnh Hà Tĩnh như cống Đò Điểm trên sông Nghèn, hồ Đá Bạc… giúp thay đổi cuộc sống của nhiều người dân.
Ngô Văn Hiển
Tin khác
- Lộ trình ngược của vị Phó giáo sư kinh tế
- “Học phải tìm đến gốc”
- Gặp nhà khoa học nghiên cứu về rau an toàn
- Vì “mê” nên chọn
- Tiếp nhận tài liệu ngành y học và nông nghiệp
- Âm thầm với khảo cổ học cộng đồng
- Tôi đến với chèo là duyên, là phận
- Nghiên cứu khoa học gắn liền với thực tiễn sản xuất
- Thông báo tổ chức tọa đàm số 5
- Chiếc máy ảnh Konica – “người bạn đường” của GS.TS Ngô Đắc Chứng