Mười năm – Một hành trình từ không đến có





Kính thưa Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương,
Kính thưa quý vị đại biểu và các khách quý,
Thưa các bạn,

Lời đầu tiên, cho phép tôi xin cảm ơn các quý vị đã có mặt trong buổi lễ trọng thể hôm nay để chứng kiến và chia vui cùng sự phát triển của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam và Công viên Di sản các nhà khoa học, hai đơn vị tuy một ở Hà Nội, một ở Hòa Bình, với nhiệm vụ khác nhau, nhưng là một và có chung mục tiêu hoạt động.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy phát biểu trong buổi lễ

Kính thưa các quý vị,

Phóng sự ngắn vừa rồi phản ánh một vài nét chấm phá lịch sử một thập kỷ không ngừng nỗ lực của Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Một thập niên chưa phải là dài, nhưng đó là chặng đầu vô cùng quan trọng, khẳng định tôn chỉ, mục đích chúng tôi hướng đến là hoàn toàn đúng đắn. 10 năm qua, bằng sự kiên định và quyết tâm cao, dựa vào đầu tư xứng đáng của Công ty Công nghệ và xét nghiệm y học MEDLATEC, đồng thời với sự đóng góp đầy trí tuệ và trách nhiệm của các thành viên đáng kính trong Hội đồng cố vấn, Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã mở đường trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản các nhà khoa học Việt Nam. Có thể khái quát bốn đặc điểm nổi bật trong chặng đường vừa qua như sau:

Thứ nhất, chúng tôi đã tập trung ưu tiên nghiên cứu, sưu tầm, cấp cứu di sản của các nhà khoa học, vì nhận thức sâu sắc rằng nếu không cấp cứu thì chỉ trong thời gian ngắn những tài liệu và ký ức của nhiều nhà khoa học sẽ biến mất khỏi thế giới này.

Thứ hai, chúng tôi đã tạo dựng cách thức tổ chức Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam với ba nội dung rõ ràng: hướng tới chuẩn bị cho một bảo tàng về các nhà khoa học, một thư viện, một cơ sở lưu trữ hồ sơ, tài liệu hiện vật của các nhà khoa học Việt Nam. Đây là một mô hình tổ chức với những nét khác biệt riêng có ở Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại. Do đó, những gì chúng tôi vừa làm, vừa mày mò rút kinh nghiệm và sáng tạo đều là những bài học quý báu.

Thứ ba, Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã gây dựng được niềm tin trong các nhà khoa học và trong xã hội. Đây là thành quả lớn nhất trong 10 năm qua. Sự vững tin và kiên trì theo đuổi mục tiêu của mình cũng như sự linh hoạt trong xử lý tình thế là bài học lớn đối với chúng tôi.

Thứ tư, chục năm qua, đội ngũ nhân viên của Trung tâm ngày càng phát triển; ban đầu chỉ có 2 người, nay đã có đến gần 50 người. Họ được đào tạo, huấn luyện làm việc một cách chuyên nghiệp và đầy tâm huyết. Một bộ phận kì công hàng ngày đến gặp từng nhà khoa học, kiên trì thuyết phục họ bớt chút thời gian để chia sẻ những câu chuyện làm khoa học, chuyện cuộc đời, thuyết phục trao tặng những tài liệu và hiện vật gắn bó cả một đời của họ. Rồi một bộ phận khác lại tỉ mẩn xử lý, bảo quản từng tài liệu hiện vật, trong đó phần nhiều đã bị hư hại do thời tiết hay côn trùng.

Biết bao kỉ niệm với nhiều cung bậc cảm xúc ùa về trong mỗi chúng tôi khi nhìn lại chặng đường vừa qua. Có những kỉ niệm buồn như khi gọi điện đặt vấn đề xin gặp mà bị nhà khoa học hay gia đình từ chối. Có những giây phút hân hoan vui sướng khi được nhiều nhà khoa học tin tưởng coi như người thân, sẵn sàng dốc bầu tâm huyết và gửi gắm những đứa con tinh thần đã gắn bó sâu nặng với mình. Chúng tôi cũng trải qua những hụt hẫng, tiếc thương trước sự ra đi của gần 200 nhà khoa học lão thành đã hợp tác hay vừa mới tiếp cận với Trung tâm. Trên hết trong những cung bậc cảm xúc đó, chúng tôi tự hào bởi thấy công việc mình làm là hữu ích không chỉ cho các nhà khoa học, gia đình các nhà khoa học, mà còn cho các thế hệ mai sau, cho lịch sử, văn hóa, giáo dục và khoa học của đất nước.

Trong tổng số hơn 80.000 lượt khách đến tham quan Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam ở Cao Phong, Hòa Bình, có tới gần 40% là học sinh các cấp. Chúng tôi không thể quên được nhiều lời chia sẻ của các em sau khi thăm trưng bày ở Công viên, rằng sau này các em cũng sẽ bước vào con đường khoa học, mong ước trở thành nhà khoa học. Như vậy, những hoạt động nhỏ bé của chúng tôi đã góp phần gieo ước mơ cho thế hệ trẻ, đã truyền cảm hứng đến những chủ nhân tương lai của đất nước. Đó là thành công bước đầu, là niềm khích lệ lớn đối với chúng tôi.

Thay mặt tập thể Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam, tôi xin cảm ơn sự tin tưởng của hơn 1.400 nhà khoa học và gia đình các nhà khoa học, cùng sự ủng hộ của lãnh đạo các cấp, ban ngành và các cơ quan ở trung ương và các tỉnh, thành phố đã hợp tác với chúng tôi trong suốt 10 năm qua. Đó là nguồn động viên vô giá, là động lực để chúng tôi tiếp tục sứ mệnh của mình.

Cũng nhân dịp này, tôi xin chân thành bày tỏ lòng biết ơn tới Ban lãnh đạo và tập thể Công ty Công nghệ và Xét nghiệm Y học MEDLATEC, đơn vị chủ quản đầu tư và tài trợ, đã luôn dẫn dắt và đồng hành cùng chúng tôi để có được thành công hôm nay. Tôi cũng xin bày tỏ lòng biết ơn tới các vị trong Hội đồng cố vấn của Trung tâm, tuy tuổi cao nhưng những kinh nghiệm và đóng góp của quý vị đã giúp Trung tâm vượt qua nhiều khó khăn và xác định hướng đi đúng đắn của mình.

Kính thưa các quý vị,

Chúng tôi xác định một số nhiệm vụ quan trọng trước mắt của Trung tâm trong chặng đường mới:

1. Tiếp tục khẩn cấp nghiên cứu và sưu tầm di sản của các nhà khoa học. Cấp cứu di sản luôn được coi là hoạt động thường xuyên, bởi các nhà khoa học tiếp nối nhau dần cao tuổi mà Trung tâm không kịp nghiên cứu, sưu tầm ở giai đoạn trước. Chúng tôi cần mở rộng địa bàn không chỉ tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, mà cả các trung tâm đại học tại nhiều tỉnh thành khác và mong muốn vươn dần tới các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài. Có như vậy chúng ta mới có được bức tranh toàn cảnh người Việt Nam làm khoa học, đóng góp khoa học cho đất nước và nhân loại như thế nào.

2. Tìm mọi cách thức và mọi biện pháp phát huy tốt nhất, hiệu quả nhất giá trị của các tài liệu và hiện vật của hơn 1.400 nhà khoa học đã trao gửi cho Trung tâm. Chúng tôi coi đây như một nhiệm vụ trọng tâm của chặng đường 5-10 năm tới. Điều quan trọng trước hết là phải nghiên cứu xây dựng nội dung cho bảo tàng về các nhà khoa học Việt Nam, với những trưng bày thường xuyên hay trưng bày nhất thời trong tương lai. Điều thứ hai phải làm bằng được là chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để đưa kho lưu trữ di sản các nhà khoa học vào khai thác, sử dụng, đáp ứng nguyện vọng của các nhà khoa học và nhu cầu của xã hội. Chúng tôi luôn kiên trì mục tiêu đảm bảo chất lượng cao nhất cho mọi hoạt động, nhất là các cuộc trưng bày, các dịch vụ khai thác tài liệu lưu trữ cũng như xuất bản các ấn phẩm, để xây dựng một “thương hiệu” uy tín trong xã hội.

3. Phát huy tiềm năng của Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Các hoạt động của Công viên phải từng bước tiến tới tính chuyên nghiệp, phải gắn chặt với các giá trị và bản sắc về di sản các nhà khoa học. Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam hướng đến trở thành một địa chỉ văn hóa độc đáo, một điểm đến hấp dẫn không những với nhân dân địa phương, mà còn với công chúng cả nước cũng như du khách quốc tế.

4. Hiểu sâu sắc công tác nhân sự là công tác then chốt, quyết định thành công của chặng đường sắp tới, Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam sẽ tiếp tục chú trọng đào tạo, rèn luyện đội ngũ nhân viên ở mọi vị trí để đạt tính chuyên nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ, sẵn sàng với những thử thách mới. Việc triển khai các hoạt động như đã nói trên cũng là cách rèn luyện tay nghề cho đội ngũ nhân viên của Trung tâm và Công viên ngày càng trưởng thành hơn, đáp ứng sự mong mỏi của các nhà khoa học và xã hội.

Thưa quý vị và các bạn,

Trong chặng đường sắp tới, chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự hợp tác của các vị lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị, sự chung tay của các nhà khoa học, trong việc gìn giữ và phát huy di sản của các nhà khoa học Việt Nam.

Một lần nữa, chúng tôi chân thành cảm ơn các nhà khoa học, gia đình các nhà khoa học và các quý vị luôn ủng hộ, động viên và đồng hành cùng chúng tôi.

Chúc các quý vị dồi dào sức khỏe.

Xin trân trọng cảm ơn!

PGS.TS Nguyễn Văn Huy