Nghiên cứu khoa học gắn liền với thực tiễn sản xuất

PGS.TS Phan Hòa sinh ngày 6-9-1947 tại xã Song Lộc, huyện Can Lộc, tĩnh Hà Tĩnh. Năm 1965, Phan Hòa tốt nghiệp phổ thông và được cử đi học đại học ở Trung Quốc nhưng sau một năm ông phải về nước vì Trung Quốc tiến hành Cách mạng Văn hóa. Về Việt Nam, Phan Hòa theo học khoa Cơ khí, trường Đại học Nông nghiệp I, Hà Nội. Năm 1970, ông tốt nghiệp đại học và xung phong vào công tác tại “tuyến lửa” Quảng Bình. Năm 1974, Phan Hòa được phân công làm giảng viên trường Đại học Nông nghiệp II, Hà Bắc. Năm 1983, trường Đại học Nông nghiệp II chuyển từ Hà Bắc vào TP Huế. Ông cùng gia đình theo trường chuyển vào Huế sinh sống và công tác. Trải qua nhiều chức vụ, bên cạnh công tác giảng dạy, quản lý ông luôn nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu của một nhà khoa học.

PGS.TS Phan Hòa

Trong số các đề tài PGS.TS Phan Hòa nghiên cứu có 2 công trình theo ông là tâm đắc và có ý nghĩa thực tiễn trong sản xuất. Đó là, “Nghiên cứu, thiết kế chế tạo bánh lồng xoắn” và “Nghiên cứu xác định các thông số tối ưu của máy đập lúa trục dọc răng bản”. Từ thành tựu nghiên cứu, PGS.TS Phan Hòa và cộng sự đã chế tạo thành công loại bánh xe lồng xoắn để lắp vào máy kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong 2 năm 1993-1994, ông và đồng nghiệp nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thành công Máy đập lúa dọc trục răng bản. Loại máy được chuyển giao cho các cơ sở sản xuất và dần phổ biến ở các địa phương miền Trung. Đây cũng là nội dung cơ bản trong luận án Phó tiến sĩ của ông Phan Hòa bảo vệ thành công với đề tài “Nghiên cứu một số thông số tối ưu bộ phận đập dọc trục răng bản của máy đập lúa (đường kính trống 500 mm, sử dụng trong thu hoạch lúa tại các tỉnh miền Trung)” năm 1994.

Theo PGS.TS Phan Hòa, nếu là một người thầy – một nhà khoa học phải luôn tự học tập, có đam mê, không nản chí khi thất bại và đặc biệt là nghiên cứu phải gắn liền với hiệu quả trong thực tế sản xuất.

Nguyễn Sửu