Sau khi tốt nghiệp đại học tại Trung Quốc (1967), ông Hoàng Văn Chước[1] được cử về công tác tại Trường Đại học Cơ điện, trực thuộc Bộ Đại học[2]. Lúc bấy giờ, điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật của trường còn thiếu thốn, cuộc sống của cán bộ, giảng viên vô cùng khó khăn, như ông chia sẻ: Những buổi chiều cùng đồng nghiệp quây quần bên nồi sắn luộc, rồi buổi tối lại kéo nhau ra ngoài để đi tìm đồ ăn, thức uống đã trở nên quen thuộc với chúng tôi.
PGS.TS Hoàng Văn Chước
Năm 1970, ông được cử đi nghiên cứu sinh tại Rumani. Sau khi bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ (1974), PTS Hoàng Văn Chước về nước và tiếp tục công tác tại Trường Đại học Cơ điện đến năm 1980[3]. Đó cũng là quãng thời gian ông phải rời xa gia đình để làm tròn nhiệm vụ của một người giảng viên. Ông nhớ những lần đạp xe vội vã, những hôm đáp chuyến tàu muộn về Hà Nội chỉ bởi nhớ thương vợ con.
PGS Hoàng Văn Chước cho biết: 10 năm sống, làm việc và gắn bó với Trường Đại học Cơ điện chất chứa bao kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên – ký ức về một thời gian khó nhưng tràn đầy nhiệt huyết. Cũng bởi thế, dù về công tác tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội (1980-1997), ông vẫn trân trọng từng cơ hội được về giảng dạy tại ngôi trường thuở khởi nghiệp của mình.
Nguyễn Thị Hợp
________________
[1] Nguyên Chủ nhiệm bộ môn Đo lượng nhiệt, khoa Điện, trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
[2] Nay là trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp, Đại học Thái Nguyên.
[3] Năm 1978 được đổi tên là Trường Kỹ thuật công nghiệp Việt Bắc.