Bà Phạm Thị Hồng quen biết PGS Nguyễn Ấu Thực từ năm 1952, khi bà là một trong số những Đảng viên được phân công vào phục vụ cứu thương tại Quân y viện K42[1]. Tại đây, bà được chọn đào tạo và trở thành một y tá phòng mổ. Quá trình đó, ông bà không chỉ trao đổi những vấn đề chuyên môn mà cả những chuyện gia đình, cuộc sống, nên bà đã cảm mến và đặt niềm tin nơi ông. Bà chia sẻ: Khi đó, một số đồng chí trong chi bộ Đảng hỏi tôi: tại sao đồng chí lại tìm hiểu một quần chúng? Tôi đáp: Tôi hiểu và tin ông ấy là người tốt, nhất định sẽ trở thành một Đảng viên gương mẫu. Đặc biệt, với tư cách là Viện trưởng, ông còn được cấp dưới nhận xét là con người thẳng thắn, thật thà, trung thực; luôn tận tụy, nhiệt tình với công việc và sâu sát quần chúng. Và đến năm 1955 thì ông được kết nạp Đảng.
Bà Phạm Thị Hồng (phải) trao tặng kỷ vật của chồng cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
Năm 1953, hôn lễ của hai ông bà được tổ chức ở Quân y viện K42. Từ đó bà trở thành hậu phương vững chắc cho ông trong suốt những năm tháng chung sống. Bà xúc động nói: Trong cuộc sống đôi khi cũng có những vấn đề cần tranh luận, nhưng sống với nhau 59 năm, chúng tôi chưa bao giờ to tiếng. Ông rất điềm đạm, trong công việc cơ quan, gia đình hay nuôi dạy con cái ông đều bình tĩnh để giải quyết.
Ngoài ra, bà Phạm Thị Hồng đã tin tưởng và trao tặng Trung tâm những kỷ vật của người chồng quá cố như chiếc bi đông và tấm vải dù được ông sử dụng từ thời kháng chiến chống Pháp. Những kỷ vật đó sẽ góp phần nghiên cứu, tìm hiểu về một giai đoạn trong suốt chặng đường công tác và cống hiến của PGS Nguyễn Ấu Thực.
Lê Thị Hằng
[1] Quân y viện K42 được thành lập để phục vụ chiến trường Bình Trị Thiên. Từ năm 1949 cho đến tháng 7-1954, Viện đóng tại Ba Lòng, huyện Đa Krông, tỉnh Quảng Trị.