Cũng như thân nhân của nhiều nhà khoa học khác, sau khi tham quan và chứng kiến tài liệu, hiện vật của hàng trăm nhà khoa học đang được lưu giữ cẩn thận tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, bà Tạ Kim Mai cũng đã phải thốt lên hai từ: “Tuyệt vời” bởi thực sự cảm phục trước những gì mà Trung tâm đã, đang thực hiện.
“Tôi thấy rằng Trung tâm đã làm một việc rất đúng”
Nhìn từng hộp tài liệu, hiên vật đã được kiểm kê, đánh số, xếp gọn ghẽ trong kho, bà hoàn toàn tin tưởng bởi bà biết mình đã tìm đúng địa chỉ để trao gửi những tâm huyết của chồng – một người hết lòng vì công việc và đã dành trọn cuộc đời cho ngành luyện kim. Trong buổi gặp mặt, ngoài việc chia sẻ thêm một số thông tin về GS Nguyễn Văn Lộc, bà Mai còn trao lại một số tài liệu, tư liệu cá nhân liên quan đến quá trình học tập, công tác và nghiên cứu khoa học của ông, đặc biệt trong đó có 3 tấm bằng sáng chế về Phương pháp luyện gang lò bằng có xỉ với cấu trúc chuẩn trong lò cao; Sáng chế lò đúc; Phương pháp khai lò cho lò đúc… Bên cạnh đó, bà Tạ Kim Mai còn trân trọng trao tặng lại Trung tâm món quà đặc biệt mà bà tặng ông nhân kỷ niệm ngày cưới – chiếc đài cassette hiệu Sony – mà sau này chiếc đài cùng cuốn băng Giọt mưa thu đã là người bạn tâm giao kề cận với ông trong những ngày điều trị bệnh cuối đời.
Bà Tạ Kim Mai trao tặng chiếc đài cassette hiệu Sony mà GS.TSKH Nguyễn Văn Lộc thường dùng để nghe tin tức hàng ngày cùng cuốn băng Giọt mưa thu
Vốn được xem là "thư ký đặc biệt" của GS.TSKH Nguyễn Văn Lộc nên bà hiểu rất rõ tâm huyết của những người đã hy sinh cả cuộc đời để theo đuổi những công trình khoa học và hơn ai hết bà đã cảm nhận được rằng "Trung tâm đã làm một việc rất đúng". Với bà, dù có muộn màng nhưng rõ ràng với gia đình các nhà khoa học nói chung và với gia đình bà nói riêng thì việc Trung tâm tìm đến là “rất đúng lúc" bởi chỉ cần chậm một chút, có thể tất cả lại sẽ vào cõi hư vô…
Lê Phương Chi