PGS Cù Đình Tú sinh năm 1934 tại xã Vĩnh Chân, huyện Hạ Hòa, Phú Thọ. Sinh thời, ông là một người thầy rất tận tụy với nghề giáo, đã từng tham gia công tác giảng dạy tại nhiều trường như trường cấp 1, cấp 2 Cao Xá, Phong Châu, Phú Thọ; trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (nay thuộc Đại học Thái Nguyên), trường Đại học Sư phạm Vinh; trường Đại học Sư phạm TPHCM. Đến đâu, ông cũng đều được học trò, đồng nghiệp quý mến bởi cách nói năng ý vị, đậm đà, và phong thái giảng dạy rất có duyên.
Ông đã tham gia viết nhiều giáo trình, sách giáo khoa phục vụ cho giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Năm 1962, khi đang công tác tại trường Đại học Sư phạm Việt Bắc, ông đã cùng với GS Hoàng Tuệ và một số đồng nghiệp trẻ viết giáo trình Việt ngữ tập 1 – một trong những giáo trình đầu tiên về ngôn ngữ học ở Việt Nam. Từ năm 1982, khi về công tác tại trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, ông tiếp tục quan tâm và tham gia tích cực biên soạn sách giáo khoa, sách giáo viên, sách bài tập như Tiếng Việt lớp 6, Tiếng Việt lớp 7, 10, 11… Gần 10 năm cuối đời, mặc dù mắc bệnh hiểm nghèo và phải di chuyển bằng xe lăn, nhưng ông vẫn nhiệt tình, hào hứng và sôi nổi trong những câu chuyện về dạy học và ngôn ngữ Việt Nam mỗi lần tiếp học trò, đồng nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Kim Hanh – vợ cố PGS Cù Đình Tú giới thiệu những tư liệu của chồng cho nghiên cứu viên Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam
Trong buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Kim Hanh đã giới thiệu và trao tặng một số tư liệu của chồng cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, trong đó đáng chú ý có sưu tập sổ ghi chép của PGS Cù Đình Tú về ngôn ngữ học, các bản thảo bài giảng, bản thảo sách, sách chuyên khảo do PGS Cù Đình Tú chủ biên hoặc tham gia viết… Bà Hanh xúc động chia sẻ: “Đến khi sắp ra đi, chồng tôi vẫn tâm huyết với nghề giáo, di chúc lại cho con cháu bằng giá nào cũng phải gìn giữ những tư liệu cá nhân. Tôi vẫn luôn tâm niệm điều đó, và tin tưởng trao lại cho Trung tâm lưu giữ”.
Phạm Ngọc Hải