PGS-TS La Thế Vinh: Nhà khoa học “mê” sơn chịu nhiệt





PGS-TS La Thế Vinh gắn bó với Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội từ thời đi học đến nay, khi đã là một nhà khoa học có thành tựu. Ông đang là Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật hóa học thuộc trường này.

Bị ngộ độc vì ham thí nghiệm

Phòng thí nghiệm vật liệu hóa học đầy ắp ánh sáng tràn vào từ rất nhiều ô cửa kính nhưng vẫn mát mắt, tạo cảm giác thanh thản, nhẹ nhàng do được bao bọc bởi những tán cây xanh rì – vốn là cảnh quan quen thuộc của ĐH Bách khoa Hà Nội. Sắc xanh từ cây cối khiến người ta quên đi mùi hóa chất. Khoác chiếc áo blouse trắng đã cũ sờn, TS La Thế Vinh bước vào với nụ cười hóm hỉnh: “Đừng để ý cái áo của tôi nhé, đây là áo mới nhất rồi, hy vọng lên ảnh mọi người không nhận ra những chỗ sờn”.

PGS-TS La Thế Vinh trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Lê Hằng

Chuyện ông kể về thời sinh viên khiến tôi hết ngạc nhiên về chiếc áo, bởi La Thế Vinh ngày ấy và bây giờ là một: Ngoài khoa học, những điều khác ông đều chẳng mấy để tâm.

“Năm đầu đại học, được vào phòng thí nghiệm, tôi hào hứng lắm, thường xuyên về muộn để hoàn thiện thí nghiệm. Có hôm quên ăn trưa, khi nhớ ra tôi vội chạy tới quán cơm ở phố Bạch Mai mà chưa kịp rửa sạch hóa chất bám trên tay. Thế là bị ngộ độc, bài học mà bây giờ tôi vẫn hay kể cho sinh viên để rút kinh nghiệm” – nhà khoa học sinh năm 1973 kể.

Niềm đam mê với sơn chịu nhiệt

Hè 1995, chàng sinh viên năm thứ ba La Thế Vinh được cử đi thực tập tại một nhà máy hóa chất ở Phú Thọ và nhận thấy rất nhiều máy móc, thiết bị han gỉ, hỏng hóc do lớp sơn bị huỷ hoại từ lâu. “Có nhiều hôm tôi chỉ đứng nhìn ống khói nhà máy xả khói đen sì, do cũng đang tìm hiểu về sơn chịu nhiệt nên tôi nảy ra ý nghĩ rằng nếu mình làm được một loại sơn phủ thiết bị, máy móc thật hiệu quả thì tuyệt vời” – TS Vinh nhớ lại.

Tuy nhiên, do học chuyên ngành phân bón, cơ sở vật chất hồi đó lại rất khó khăn, Vinh không có nhiều điều kiện để nghiên cứu về sơn chịu nhiệt. Để có tiền mua bột màu và các hóa chất thí nghiệm, chàng trai chăm chỉ làm gia sư. Vinh kể: “Hễ dành được tiền từ việc đi dạy, tôi lại đạp xe lên phố Nguyễn Khuyến mua bột màu. Ít tiền nên mỗi lần tôi chỉ mua nửa cân đến một cân”.

Việc mày mò nghiên cứu sơn chịu nhiệt vẫn được Vinh tiếp tục sau khi tốt nghiệp cử nhân, thạc sỹ rồi chính thức làm việc ở ĐH Bách khoa. Ông thử nghiệm sản phẩm trên các tấm tôn, sắt phế phẩm và vui mừng nhận thấy ở nhiệt độ cao, sơn vẫn bám chắc, bề mặt nhẵn bóng. Để khẳng định sản phẩm có khả năng chịu nhiệt trên nhiều vật liệu, ông tiếp tục phủ sơn lên dây bếp điện, sau đó cắm điện cho bếp đỏ lên. Kết quả là 6 tháng sau, bếp vẫn dùng tốt, lớp sơn không bị hỏng.

Năm 2001, La Thế Vinh mang sản phẩm trở về nơi thực tập cũ là nhà máy hóa chất ở Phú Thọ để thử nghiệm. Lãnh đạo nhà máy đồng ý dùng sơn này cho một đoạn đường ống có nhiệt độ khoảng 8000C khi hệ thống vận hành, vốn thường xuyên bị hỏng. Một thời gian dài sau đó, Vinh nhận được cuộc gọi từ cậu học trò cũ làm ở nhà máy kia: “Sơn của thầy tốt thật, buổi tối bọn em đi qua đoạn đường ống đó, thấy sắt thép đỏ rực lên ở nhiệt độ cao, thế mà sơn của thầy vẫn không sao”.

PGS-TS Vinh giải thích, khi ở nhiệt độ cao, trong môi trường hơi nước và không khí, kim loại bị ăn mòn rất nhanh. “Máy móc, thiết bị công nghiệp rất đắt nên việc sơn chịu nhiệt khắc phục được vấn đề đó đối với tôi là niềm vui rất lớn” – ông nói và cho biết, sản phẩm này được đánh giá là dẫn đầu về khả năng chịu nhiệt trong các loại sơn ở Việt Nam, đã được xuất khẩu sang Đài Loan.

Người thầy nhiệt tâm

Là người tâm huyết với việc đào tạo, PGS-TS Vinh luôn truyền đạt cho sinh viên những thông tin khoa học, công nghệ mới nhất đã được ông chắt lọc, kiểm định. GS-TS Nguyễn Trọng Uyển – khoa Hóa học, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội – nhận xét: “TS Vinh là người yêu khoa học thật sự, có tinh thần học hỏi các thế hệ đi trước và cũng biết cách giúp đỡ, đào tạo sinh viên”.

Bùi Quốc Huy – một sinh viên cũ của TS Vinh, nay là Phó Trưởng khoa Hóa, ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên – tâm sự: “Từng trải qua thuở hàn vi nên thầy hiểu và cảm thông với sinh viên khi làm nghiên cứu, luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm và kỹ năng. Tôi biết có những thời điểm gặp khó nhưng thầy không nản lòng, đã làm việc gì là cố bằng được. Đó là điều tôi phục nhất”.

TS Vinh cũng thừa nhận: “Bất kể giờ nào, khi chưa xong việc thì tôi không rời phòng thí nghiệm. Khi căng thẳng quá, tôi mới tự cho phép mình nghỉ ngơi để thay đổi trạng thái bằng cách chạy bộ hay đi bơi".