Chúng tôi gặp ông trong căn phòng nhỏ của Hội Âm nhạc Hà Nội, đằng sau chiếc đàn Piano vang ra những giai điệu ngân vang, thánh thót, là những câu chuyện đầy say mê về khảo cổ. Dường như con người ông chia ra làm hai thế giới, thế giới của khảo cổ học, thế giới của âm nhạc. Nhưng ông vẫn thường hay nói cả hai thế giới đó đều chung một đích đến là văn hóa.
Về khảo cổ, ông thú nhận, mình phải tự mày mò học để có kiến thức về lĩnh vực này. Bởi ông chưa qua trường lớp: cổ nhân học. Nhưng càng đi sâu vào lĩnh vực này, niềm đam mê khôi phục quá khứ của ông càng mạnh mẽ. Năm 1979-1980 ông là người Việt Nam đầu tiên qua CHDC Đức để học về phương pháp phục chế lại mặt theo xương sọ (hay còn gọi là Phương pháp Gheraximốp) . Năm 1988-1990, ông lại được qua Viện Hàn lâm Nga để tiếp tục bổ sung thêm các kiến thức về Cổ nhân học. Ông làm Luận án tiến sĩ với đề tài: “Đặc điểm nhân chủng cư dân văn hoá Đông Sơn ở Việt Nam”. Rồi từ đó, cùng với vốn liếng ngoại ngữ khá đa dạng, ông được mời tham dự các Hội thảo Quốc tế ở CHLB Đức, Nhật Bản, Thái Lan, Philippin, Trung Quốc và được mời làm Giáo sư thỉnh giảng tại Trường Đại học Bordeaux I (Pháp). Năm 1991 trong Hội thảo Quốc tế về nhân chủng học ở Nhật, và cuối năm 2014 tại CHLB Đức ông là người Việt Nam duy nhất được mời tham dự.
PGS.TS. Nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường
Trong căn phòng nhỏ của Hội âm nhạc Việt Nam, không có những bộ xương hàng ngàn năm tuổi, nhưng cuộc đời của PGS.TS. Nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường luôn gắn liền với những kỷ niệm khảo cổ. Nhắc lại kỷ niệm năm 1966, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đang diễn ra, ông được phân công vào Thanh Hoá để khai quật di chỉ Thiệu Dương. Thời bấy giờ, phương tiện đi lại rất khó khăn, các nhà khảo cổ phải tự thân vận động là chính. Trong đợt khai quật đó có một số bộ xương người xuất lộ, ông được trên chỉ đạo phải đem 1 tạ thạch cao vào công trường để bó một bộ xương đem về Hà Nội trưng bày. Ông cùng một cán bộ nữa đem bộ xương về bằng tàu hoả. Nhưng khi tàu sắp qua cầu Tào (Thanh Hoá) thì bị bom Mỹ đánh sập cầu. Chỉ một tích tắc là ông đã bị trúng bom. Vượt qua bao nhiêu khó khăn, cuối cùng, ông cũng đem được bộ xương nguyên vẹn về tới Hà Nội. Từ chuyến đi đầu tiên vào năm 1966 đó, ông đã có cả trăm chuyến đi khác trên khắp các tỉnh thành của cả nước trong gần 40 năm trời làm nghề khảo cổ. Những buồn vui trong nghề luôn tràn đầy cảm xúc với ông. Đó là khi ông gặp được những bộ xương còn khá hoàn chỉnh tại khu mộ táng Mán Bạc (Ninh Bình), hay bộ xương 1 vạn năm ở hang Phia Vài (Tuyên Quang) với 2 con ốc đặt trong mắt – một bộ xương có một không hai trên thế giới. Ông nói: “Đây là những dấu ấn rất đáng ghi nhớ trong suốt 40 năm có duyên nợ với nghề “đào mồ cuốc mả” của tôi. Rồi gần đây nhất là kỷ niệm về hang Thanh Hóa ở Hải Dương, cùng sư thầy Thích Diệu Mơ, ông đã tìm được rất nhiều răng đười ươi cổ có niên đại tới 3-4 vạn năm.
Nói về PGS.TS Nguyễn Lân Cường, còn phảo nói về con người âm nhạc ăm ắp trong ông – với danh xưng Nhạc sĩ Lân Cường. Ngay từ thuở nhỏ, 10 tuổi, ông rất đam mê vẽ và học nhạc. Những năm 60 của thế kỷ trước ông hoạt động sôi nổi trong phong trào văn nghệ của học sinh, sinh viên Thủ đô, rồi của Đoàn thanh niên các cơ quan Trung ương. Ông nhớ lại: “Trong thời gian sáng tác âm nhạc, tôi cũng có một kỷ niệm rất vui. Đó là vào năm 1967-1968, tôi đã viết một bài hát có tựa là “Viva Cuba, Viva Việt Nam”. Bài hát này đã được chọn là 1 trong 2 bài hát viết về Cuba của Việt Nam và được ca sĩ Ái Vân, Mạnh Hà cùng tốp ca trình bày trong đêm khai mạc Festival sinh viên tại La Habana của Đoàn nghệ thuật Việt Nam”. Nhưng rồi ông lại không đi hết cuộc chơi ấy, dù giờ đây, khi nói chuyện với chúng tôi, trong câu chuyện của ông vẫn đầy hứng khởi của những giai điệu. Ông đã đoạt 7 giải thưởng về âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và 5 Giải thưởng của Hội Âm nhạc Hà Nội. Ông tâm sự với tôi: Mình đang ấp ủ dự định tháng 12 năm nay, khi bước vào tuổi 75 sẽ làm một liveshow riêng, xem như trọn vẹn những nghĩa tình gắn bó với âm nhạc với tiêu đề: “Nhật ký trên khóa sol”
Chia tay ông, nhận lại từ tay ông tấm danh thiếp, tôi thật bất ngờ khi trên tấm danh thiếp có in hình một chiếc sọ người nho nhỏ, biểu trưng cho ngành cổ nhân học đủ để cho thấy lòng say mê yêu nghề của ông lớn tới đâu. Ông có thể ngồi hàng giờ bên những bộ xương cổ, có thể say mê hàng ngày bên những bản nhạc. Đối với ông khảo cổ là làm việc còn âm nhạc là thư thái. Giờ đây, khi đã nghỉ hưu ông vẫn tham gia đào khảo cổ học với tư cách là Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, vẫn sáng tác âm nhạc đều đặn với cương vị Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội.
Mong rằng những cống hiến của ông sẽ còn rạng ngời mãi cùng truyền thống gia đình cố Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân – một gia đình duy nhất ở Việt Nam có 9 bố con cùng đứng trên bục giảng của các Trường đại học danh tiếng….
Trần Miêu
Nguồn:www.trithucvaphattrien.vn