Sưu tầm những tư liệu quý của GS Tôn Thất Tùng

Trong căn phòng tĩnh lặng, một buổi chiều cuối xuân, chúng tôi như bị hút hồn vào những giá sách của GS Tôn Thất Tùng. Bà Vi Thị Nguyệt Hồ, người bạn đời và cũng là người học trò, đồng nghiệp của GS Tôn Thất Tùng cho biết: kể từ khi ông mất (1982), những kỷ vật trong căn phòng vẫn giữ nguyên, không di chuyển bất cứ thứ nào. Chiếc bàn và chiếc ghế cũ kỹ nơi ông làm việc vẫn ở vị trí đó với những những tài liệu, sổ sách và chiếc cặp đựng tài liệu, những giá sách được đóng khéo léo tựa sát xung quanh tường. Bà Hồ chia sẻ thêm rằng, nhà nước cấp cho gia đình bà và gia đình GS Hồ Đắc Di căn nhà này. Cụ Hồ Đắc Di vừa là thầy vừa là anh (hơn GS Tùng một giáp tuổi) sống ở tầng 2, còn gia đình bà sống ở tầng 1.

Bà Tôn Nữ Huyền Trân (con gái GS Tôn Thất Tùng) bên những kỷ vật của người cha

 Trong căn phòng toàn sách vở và tài liệu chuyên môn của GS Tôn Thất Tùng, chúng tôi thật sự xúc động trước khối tài sản khoa học của GS nay đã cũ kỹ và không còn được nguyên vẹn. Lần tìm trong những giá sách nhuốm màu thời gian ấy, chúng tôi phát hiện được những cuốn sổ viết tay vô cùng quý giá của ông, ở đó có cuốn nhật ký Điện Biên được viết từ năm 1954, kể về những chuyến đi mổ, những buổi chạy bom, những lần hành quân, chuyển lán,… Ở đó còn có hàng chục cuốn nhật ký được viết qua các năm, qua các chuyến đi công tác ở Pháp, Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc,… Đó là những cuốn hồi ký được ông viết từ những năm 1970 khi hồi tưởng về những công việc đã qua, những gì đã làm được. Và đặc biệt, những nghiên cứu về gan được viết, được mô tả khá chi tiết trong hàng trăm cuốn sổ, những phát hiện về ung thư gan, về ảnh hưởng của chất Dioxin đối với người trong chiến tranh Việt Nam cũng được ông viết khá tỉ mỉ trong những ghi chép của mình.

 Những tài liệu, sách vở đó thật sự là những tài sản vô cùng quý giá không chỉ phản ánh cả cuộc đời gắn bó với Y học của GS Tôn Thất Tùng mà còn đối với lịch sử ngành Y học, lịch sử khoa học của đất nước. Những tư liệu mang dấu ấn tâm huyết và trí tuệ của Giáo sư nay đã được hàng ngày nằm đây mà không được bảo quản trong điều kiện cần thiết, không được khai thác để phục vụ cho nghiên cứu, vì thế đã đề xuất xin gia đình mang về Trung tâm để bảo quản và lưu giữ, phát huy giá trị khi có điều kiện.

 Khi trao những di sản của chồng mình cho Trung tâm bà Vi Thị Nguyệt Hồ không nói gì thêm, nhưng chúng tôi hiểu những xúc cảm của bà, chúng tôi biết trách nhiệm của mình đối với những di sản khoa học này, để không phụ sự ủy thác của gia đình và vong linh của vị Giáo sư nổi tiếng.

Nguyễn Thanh Hóa