Năm 1978, khi đang là giảng viên trường Nguyễn Ái Quốc V (nay là Học viện Báo chí và tuyên truyền), ông Hoàng Ngọc Hòa được cử đi học sau đại học ở trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Nhận thấy không chỉ gia đình mà những người họ hàng, lối xóm miền quê Thanh Lương, Thanh Chương (Nghệ An) đều làm nông, chứng kiến biết bao mùa lũ, năng suất thấp, đói kém quanh năm, ông đặc biệt quan tâm đến nông nghiệp. Ông thực hiện luận văn “Tăng năng suất lao động nông nghiệp với công nghiệp hóa ở Việt Nam”. Ông cho rằng để đẩy mạnh công nghiệp hóa, cốt lõi phải tăng năng suất lao động nông nghiệp. Đây là tiền đề cho công nghiệp hóa, đảm bảo an ninh lương thực, giải phóng lao động. Năm 1981, hoàn thành luận văn, ông được chọn là người bảo vệ trước toàn khóa 5 của trường.
GS Hoàng Ngọc Hòa |
Tiếp tục hướng nghiên cứu đó, ông chủ nhiệm nhiều đề tài cấp bộ, được nghiệm thu xuất sắc như: Phối hợp một số chính sách kinh tế vĩ mô nhằm thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 1996-2006, Một số vấn đề kinh tế – xã hội nảy sinh từ việc thu hồi đất của nông dân cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở vùng đồng bằng sông Hồng…; tác giả cuốn sách “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta” (NXB Chính trị quốc gia, 2008).
GS Hoàng Ngọc Hòa tâm sự: “Vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân là nội dung giảng dạy xuyên suốt trong hơn 30 năm tôi công tác ở Học viện”.
Nguyễn Thanh