Tết thương Tết nhớ

 Năm 1964, sau khi tốt nghiệp phổ thông, vì yêu thích chăm sóc cây cối nên ông Hoàng Ngọc Thuận đăng ký thi vào trường Đại học Nông nghiệp[1]. Do thành thạo các kỹ năng như cấy lúa, ghép mắt táo, giâm cành… và có thành tích học tập tốt nên ông được nhiều thầy cô giáo quý mến. Ngay từ năm học thứ 3, ông đã được giảng viên, kỹ sư Trần Thế Tục[2] định hướng đi theo con đường nghiên cứu về cây ăn quả. Ông được phân công làm trưởng một nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học về cây ăn quả. Năm 1967, bước sang năm học cuối cùng, ông được thầy hướng dẫn Trần Thế Tục phân công thực hiện đề tài tốt nghiệp: “Nghiên cứu đặc điểm sinh trưởng, phát triển một số giống chuối ở Lâm Thao, Phú Thọ”. Tháng 9-1967, ông được thầy Tục giới thiệu lên Lâm Thao thực tập trong 9 tháng. Ông chia sẻ: Khi tạm xa trường, đi thực tập tốt nghiệp, cảm thấy vô cùng hào hứng, không còn đơn điệu như ở giảng đường[3].

Nhớ lại hành trình di chuyển lên Phú Thọ, ông Hoàng Ngọc Thuận cho biết do thầy Trần Thế Tục có việc bận nên hai thầy trò không cùng khởi hành từ Hà Nội mà hẹn gặp nhau ở bến xe Trung Hà, Phú Thọ. May mắn, mang theo xe đạp, ông đi nhờ xe của Phạm Ngọc Dũng – anh trai một người bạn đi công tác ở huyện Thanh Sơn, Phú Thọ. Lên đến Trung Hà là khoảng 10h sáng, ông Thuận có mặt ở điểm hẹn và chờ thầy đến tầm 3h chiều. Ông đạp xe đưa thầy qua bến đò Trung Hà rồi đi dọc theo đường đê về huyện Lâm Thao. Cho đến nay, ông vẫn nhớ rõ hình ảnh những vườn chuối bạt ngàn ở triền đê. Thầy Trần Thế Tục đưa ông đến giới thiệu với ông Vũ Hạng ở Trạm thu mua chuối xuất khẩu của Phú Thọ để nhờ giúp đỡ học trò trong thời gian thực tập. Ngay sau đó, hai thầy trò đến địa điểm thực tập là xã Bản Nguyên, huyện Lâm thao.

Tại xã Bản Nguyên, sinh viên Hoàng Ngọc Thuận được Chủ nhiệm hợp tác xã sắp xếp ở nhờ trong nhà ông Ất – Đội trưởng Đội sản xuất số 5. Để nhanh chóng hòa nhập với bà con nông dân, hàng ngày cứ 5h30 sáng, ông dậy tập thể dục, đi tưới rau với ông Ất rồi mới ra vườn chuối làm việc. Vốn quen với công việc đồng áng nên ông nhanh chóng theo được nhịp độ công việc của mọi người. Khoảng 2 tháng sau, trong một lần đi thăm đồng cùng Ban Chủ nhiệm hợp tác xã, ông được giới thiệu chuyển đến nhà ông Hàm – Đội trưởng Đội sản xuất số 7, gần vườn chuối thí nghiệm hơn. Ông tâm sự: Người dân Phú Thọ làm thêm nghề phụ, buôn rau, chuối nên thu nhập khá. Hầu hết các nhà đều xây được nhà ngói, nhà ông Hàm cũng rất khang trang, sạch sẽ. Cũng có lẽ vậy mà cái Tết tôi ở lại Phú Thọ khá đầy đủ!

(Nguồn: https://laodongnhatban.com.vn/)

Sau hơn một tháng làm việc cùng nông dân xã Bản Nguyên, ông đã tìm được một khu vườn đất tốt, khá phù hợp nên đề nghị với Chủ nhiệm Hợp tác xã cho phép ông sử dụng nó cho công tác nghiên cứu của mình. Thuở đó, đất đai do hợp tác xã quản lý chung nên khá thoải mái. Đề nghị của tôi dễ dàng được chấp thuận, ông Thuận cho biết. Ngay sau đó, ông đến các vườn chuối của người dân trong xã, xin những cây con có độ tuổi tương đối đồng đều mang về trồng trong vườn nghiên cứu của mình, chia thành các khu giống khác nhau: chuối tiêu cao, chuối tiêu lùn, chuối ngố… Dựa trên kiến thức đã có và học hỏi kinh nghiệm chăm sóc chuối của bà con Phú Thọ, ông tự chăm cây và theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của nó. Cứ 5 ngày, ông lại đo mức độ sinh trưởng của cây chuối con (về thân, lá, rễ…) một lần nhằm vẽ bản đồ sinh trưởng của chuối để đưa vào đồ án. Ngoài ra, ông cũng theo dõi độ ẩm của đất để xác định phương thức chăm sóc, tưới nước cho chuối phù hợp. Đồng thời, ông cũng đi khảo sát thêm vùng trồng chuối ở huyện Cẩm Khê để so sánh quá trình sinh trưởng, phát triển của chuối trên những địa bàn khác nhau.

Bên cạnh việc làm thí nghiệm phục vụ cho đồ án tốt nghiệp, trong 9 tháng ở Phú Thọ, ông Hoàng Ngọc Thuận đã tích cực tham gia mang tính “chỉ đạo sản xuất” cho bà con nông dân ở Hợp tác xã Bản Nguyên. Trước khi đi thực tập, ông đã nghiền ngẫm kỹ cuốn sách “Lúa xuân miền Bắc Việt Nam” của ông Bùi Huy Đáp[4] và một cuốn của ông Đào Thế Tuấn[5]. Thậm chí, ông còn đặt mua Tạp chí Khoa học và kỹ thuật Nông nghiệp để trang bị thêm những kiến thức mới về kỹ thuật canh tác lúa, ngô… Ông nắm rất vững kỹ thuật canh tác lúa xuân, phát triển bèo hoa dâu, trồng cây điền thanh làm phân bón nên vừa phổ biến cho bà con vừa làm cùng mọi người. Ông nhớ lại: Tết Mậu Thân vô cùng rét. Tôi thường xuyên cùng Ban Chủ nhiệm hợp tác xã đi thăm đồng ruộng để có phương án chống rét kịp thời. Phương án hữu hiệu nhất là nhân giống bèo hoa dâu rồi thả vào các ruộng lúa, nó không chỉ cung cấp đạm mà còn đóng vai trò rất lớn trong việc giữ ấm cho cây lúa. Nhờ vậy, năng suất lúa xuân của dân xã Bản Nguyên gấp đôi năm trước. Tháng 1-1968, ghi nhận những đóng góp của sinh viên Hoàng Ngọc Thuận, Bí thư chi bộ xã Đan Nguyên đề nghị cho ông đi học cảm tình Đảng.

Sinh viên Hoàng Ngọc Thuận, 1967-1968

Dịp Tết đến xuân về, cũng như bao người con xa quê hương, sinh viên Hoàng Ngọc Thuận mong mỏi được trở về xum vầy cùng gia đình. Nhưng nghĩ đến những thửa ruộng lúa xuân đang gồng mình chịu giá rét, rồi những thí nghiệm còn dang dở ở vườn chuối, ông không đành lòng ra về. Cuối cùng, ông đưa ra lựa chọn ở lại Phú Thọ ăn Tết, sang tháng Giêng ấm áp hơn sẽ tranh thủ về Bắc Giang thăm ba mẹ. Ông tâm sự trong nỗi niềm day dứt: Tôi sinh ra trong gia đình con một, từ nhỏ tới lớn đều được ba mẹ đùm bọc. Vì vậy, Tết đến tôi càng nhớ nhà hơn, nhưng lúc này công việc quan trọng hơn cả. Nếu tôi về nhà ăn Tết, lúa xuân có vấn đề gì thì sao? Nếu tôi về, lỡ ngày lấy mẫu thí nghiệm thì toàn bộ kết quả sẽ sai lệch hết. Ở lại là một lựa chọn đúng!.

Lần đầu tiên được đón Tết ở một vùng đất xa đã để lại cho ông Hoàng Ngọc Thuận nhiều ấn tượng khó quên. Ông nhận thấy, cùng là cư dân vùng Bắc Bộ nên tục lệ đón Tết của người Phú Thọ khá tương đồng với nơi gia đình ông từng sinh sống như Bắc Giang, Nam Định. Nổi bật là tục “đụng lợn”, cứ 3-4 nhà chung nhau thịt một con lợn để cung cấp thực phẩm cho gia đình trong dịp Tết. Ông vô cùng ấn tượng với các món ăn ngày Tết của bà con trong xã Bản Nguyên. Đặc biệt nhất là “mỡ muối”. Sau khi chia phần, họ thái nhỏ thịt mỡ, đem ướp rất nhiều muối rồi bảo quản trong hộp kín để dùng cả năm. Mỗi khi xào nấu món gì, họ lấy ra khoảng 2-3 miếng mỡ xào lên trước, mùi rất thơm. Ông hào hứng chia sẻ: Một đặc sản mà đến bây giờ tôi vẫn “nghiện”, đó là bánh đúc. Bánh bà con làm có vị rất khác. Khoảng tháng 10 âm, họ đem ngâm gạo cho đến khi có thể vo nát hạt gạo thì chắt nước đi, nghiền thành bột rồi phơi khô, cất vào chum sành. Đến Tết họ mới lấy bột ra pha với nước vôi trong và lạc quấy thành bánh đúc. Món bánh đó ngon vô cùng!

Đêm Giao thừa, ông xin phép gia đình ông Hàm lên Trạm thu mua chuối xuất khẩu của ông Vũ Hạng ngủ. Ông tâm sự: Cả đêm tôi nằm nghe đài để nguôi đi nỗi nhớ nhà. Tôi nhớ, hôm đó có đưa tin về cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968 ở Sài Gòn. Mấy ngày sau, tôi vẫn theo sát và mong ngóng tin chiến thắng, mong ngày đất nước thu về một mối nhưng không được như mong đợi. Sáng sớm Mùng một Tết, theo lời hẹn với gia chủ, sinh viên Thuận về xông đất nhà ông Hàm rồi cùng họ sang chúc Tết bố mẹ bà Thược – vợ ông Hàm.

Từ ngày Mùng 3 Tết, ông Hoàng Ngọc Thuận quay trở lại với công việc thường ngày. Ông tiếp tục theo dõi thí nghiệm ở vườn chuối và tham gia “chỉ đạo” sản xuất. Thời gian này, ông đã có sáng kiến giúp diệt trừ bọ trĩ hại chuối. Ban đầu, mọi người phun thuốc sâu 666 nhưng không hiệu quả, bọ trĩ vẫn sinh trưởng, phát triển rất mạnh. Ông cho biết thêm: Chuối ở Phú Thọ chủ yếu là trồng để xuất khẩu, họ sẽ đóng gói cả buồng. Trước khi nhập khẩu, các nước đều kiểm dịch khá chặt chẽ, họ kiểm tra thí điểm, nếu chỉ một quả chuối có dấu hiệu nhiễm sâu bệnh thì họ sẽ trả lại cả lô hàng nên thiệt hại rất lớn. Ông quan sát khi họ phun thuốc, một số con bọ chui thẳng vào trong nõn chuối trú ẩn, không bị dính thuốc. Bởi vậy, ông nghĩ ra cách để diệt tận gốc bọ trĩ, bên cạnh việc phun thuốc cả vườn sẽ đổ thẳng một lượng bột thuốc 666 vào nõn chuối. Quả nhiên, phương pháp của ông rất hiệu quả, giúp bà con nông dân chống lại bọ trĩ triệt để hơn.

Sau 9 tháng miệt mài, ông Hoàng Ngọc Thuận hoàn thành chương trình thực tập với những thí nghiệm tại Phú Thọ và trở về trường. Ông đọc thêm tài liệu, viết báo cáo thực tập. Những kết quả nghiên cứu của ông không chỉ góp phần cải thiện kỹ thuật canh tác chuối ở Lâm Thao, Phú Thọ mà còn là một phần trong dự án nghiên cứu về cây ăn quả Việt Nam của thầy Trần Thế Tục. Dù câu chuyện về chuyến thực tập và đón Tết Mậu Thân ở Phú Thọ đã lùi xa hơn 50 năm nhưng kỷ niệm, tình cảm của con người nơi đây vẫn luôn đậm sâu trong ký ức của PGS Hoàng Ngọc Thuận. Bởi vậy, ông luôn khẳng định: Đó là cái Tết đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi!

Lợi Lê

_________________________

* PGS.TS Hoàng Ngọc Thuận, chuyên ngành Trồng trọt, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả, Trường Đại học Nông nghiệp I.

[1] Tên gọi của Học viện Nông nghiệp Việt Nam giai đoạn 1963-1967.

[2] Kỹ sư Trần Thế Tục sau là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả.

[3] Tài liệu ghi âm PGS.TS Hoàng Ngọc Thuận, 11-1-2023, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Toàn bộ phần trích lời của PGS Hoàng Ngọc Thuận trong bài viết được lấy từ nguồn này.

[4] Ông Bùi Huy Đáp sau là Giáo sư, Phó Chủ nhiệm Ủy ban khoa học Nhà nước.

[5] Ông Đào Thế Tuấn sau là Giáo sư, Tiến sĩ, Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.