Thẻ sinh viên của GS.TS Dương Phú Hiệp

Giáo sư, tiến sĩ Dương Phú Hiệp sinh năm 1938, tại Vĩnh Phúc, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Ông được đánh giá là chuyên gia về thời kỳ quá độ trong nghiên cứu triết học Mác – Lênin. Ông đã chủ trì hàng chục đề tài cấp Nhà nước và cấp Bộ, hơn 50 bài đăng tạp chí khoa học về vấn đề: Đổi mới triết học Việt Nam, Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam… Ông mất năm 2020 tại Hà Nội.

Năm 1959, Dương Phú Hiệp thi đỗ vào khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội; học được một thời gian, nhà trường cử ông sang Liên Xô học ở khoa Triết học, trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp. Trước khi sang Liên Xô, ông học tiếng Nga gần một năm ở trường Đại học chuyên tu Ngoại ngữ ở bên Gia Lâm (Hà Nội). Tháng 8-1960, ông và 14 người nữa (Đặng Xuân Kỳ – con trai Tổng Bí thư Trường Chinh, Lê Hữu Tầng, Nguyễn Trọng Chuẩn, Lại Văn Toàn, ông Khải, ông Khá…) lên đường sang Liên Xô.

Chuyến hành trình mất khoảng 1 tuần, tới Matxcơva vào ban đêm. Mọi người trong đoàn được sống ở ký túc xá Sôlômưka cùng với sinh viên nhiều nước khác. Mỗi người được khoa Triết cấp cho thẻ sinh viên để xuất trình với nhân viên bảo vệ mỗi khi ra và vào vào trường. Tấm thẻ được gấp ở chính giữa, trang bên trái ghi tên trường và thông tin cá nhân của sinh viên, trang bên phải ghi niên khóa học, có chữ ký xác nhận của nhà trường. Thẻ được bọc vải xanh ở mặt ngoài, trông rất đẹp, có in chìm chữ « студенческий билет » nghĩa là thẻ sinh viên. Do ký túc ở xa nên hàng ngày mọi người phải đi ô tô bus tới trường học. Trên xe, nhiều sinh viên Việt Nam thường vội tìm ghế ngồi, ít khi nhường ghế cho người cao tuổi hay trẻ em. Hồi mới sang Liên Xô, một hôm, ông và mọi người đi tới cổng trường thì bảo vệ của trường giữ lại và kiểm tra giấy tờ. Khi người bảo vệ hỏi bằng tiếng Nga, nhiều người trong đoàn ngơ ngác không hiểu. Đoán là họ hỏi giấy tờ, ông đánh liều rút thẻ sinh viên trong cặp đưa cho họ xem, người bảo vệ khen ông và cho mọi người vào trường. Vào trường, mọi người lên gặp Trưởng khoa Triết theo lịch hẹn. Sau khi hỏi thăm sức khỏe và cuộc sống của sinh viên Việt Nam mới sang, vị Trưởng khoa hỏi mọi người đã được cấp đủ giấy tờ chưa. Cả đoàn không hiểu ông ta nói gì nên đều trả lời «да », nghĩa là vâng. Trưởng khoa nói tiếp: « Các anh đưa giấy tờ tôi xem », thì cả đoàn đứng nhìn nhau vì không hiểu. Sinh viên Hiệp lại rút thẻ sinh viên đưa cho thầy Trưởng khoa xem và được thầy khen « giỏi quá ! ».

GS Hiệp còn nhớ: lúc bắt đầu vào học, ông và mọi người phải học những môn tự nhiên trước, như toán, lý, logic… Khi thi hết môn, thường phải đem theo thẻ sinh viên; tuy nhiên, môn kinh tế thi vấn đáp nên không cần sử dụng thẻ, do thầy giáo đã nhớ mặt sinh viên. Trong lần thi ấy, có anh Lê Đình Tụng (quê ở Thái Bình) vốn ngọng chữ “ l ” nên nói rất khó nghe, tiếng Nga còn kém, nên thầy giáo không hiểu. Sinh viên Hiệp được gọi vào giúp thầy dịch bài trả lời của anh Tụng. Thầy nghe lời dịch, thấy trả lời bài trôi chảy thì nói: Tôi không tin anh Tụng này học kém ngoại ngữ mà có thể học bài tốt như thế !”, nên đáng ra được 5 điểm nhưng chỉ cho 4 (tính theo thang điểm Liên Xô). Sau đó, ông và những người còn lại vào thi và đều đỗ hết.

Những năm sau đó, nhờ giỏi tiếng Nga và chăm học nên đoàn Việt Nam học rất tốt. Hết 1 năm học, nhà trường lại gia hạn thẻ cho sinh viên, có đóng dấu và chữ ký xác nhận của nhà trường. Trong thẻ, ông được gia hạn 4 lần với các niên khóa 1960-1961, 1921-1962, 1962-1963. Tuy nhiên, đến niên khóa 1963-1964, khi ông đang chờ làm luận văn tốt nghiệp thì bị gọi về nước, do có sự bất đồng giữa hai nước Liên Xô và Việt Nam về vấn đề chủ nghĩa xét lại (Việt Nam có Nghị quyết của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 9, tháng 12-1963, phê phán chủ nghĩa xét lại của Liên Xô). Đầu năm 1964, ông về nước, được Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp của Việt Nam cấp bằng đại học và phân về công tác ở Viện Triết học. Đối với ông, đây là kỷ vật gợi nhắc một thời sinh viên học tập sôi nổi ở nước ngoài, nên ông rất giữ gìn.