PGS.TS Hoàng Văn Khoán sinh năm 1935 tại Hương Khê, Hà Tĩnh. Ông vốn là giáo viên dạy văn, sử, địa ở trường cấp 2 Nghi Xuân, Hà Tĩnh (1956-1960) và trường Sư phạm Sơ cấp Hà Tĩnh (1960-1962). Năm 1962, ông được cử sang Liên Xô học chuyên ngành Khảo cổ học tại trường ĐH Tổng hợp Kharcov. Về nước (1967), ông được phân công tác tại bộ môn Khảo cổ học, khoa Lịch sử, trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, và gắn bó ở đây cho đến khi nghỉ hưu, năm 2000.
Hơn 30 năm công tác ở trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, PGS Hoàng Văn Khoán trở thành một trong những nhà khảo cổ học có uy tín của nước ta. Ông từng giữ các cương vị Phó chủ nhiệm khoa Lịch sử (1978-1986), Phó bí thư Đảng ủy kiêm Trợ lý Hiệu trưởng, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, hành chính (1986-1993).
Trong khoa học, ông là người tiên phong nghiên cứu, ứng dụng phương pháp kim tướng học – một ngành khoa học nghiên cứu về tổ chức và cấu trúc của kim loại và hợp kim vào khảo cổ học Việt Nam. Thông qua đó, ông đã phát hiện ra kỹ thuật luyện sắt và chế tạo sắt ở khu luyện sắt Nghi Xuân (Hà Tĩnh); khám phá hợp kim đồng thau Việt Nam thời cổ; tìm hiểu kỹ thuật đúc trống đồng Đông Sơn; thực nghiệm quá trình sản xuất sắt thời cổ ở Nho Lâm (Nghệ An); đồng thời đưa ra những giả định được nhiều nhà khoa học chấp nhận về sự xuất hiện gang ở Việt Nam… Những nghiên cứu, phát hiện của ông đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Bên cạnh việc nghiên cứu trên, PGS Hoàng Văn Khoán còn có đóng góp trong lĩnh vực khảo cổ học lịch sử. Cuốn sách Cổ Loa – trung tâm hội tụ văn minh sông Hồng (xuất bản năm 2002) do ông chủ biên đã xác định vị thế quan trọng của Cổ Loa trong quá trình hình thành nhà nước Âu Lạc của An Dương Vương.
Từ cuối những năm 70, PGS Hoàng Văn Khoán đã quan tâm đến lĩnh vực tiền cổ, kiến trúc và điêu khắc, nhưng phải hơn một chục năm sau ông mới thực sự đi sâu vào nghiên cứu và trở thành chuyên gia ở cả hai lĩnh vực. Ông chủ biên của hai công trình có giá trị: Cuốn Sổ tay tiền cổ kim loại Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp lưu hành ở Việt Nam từ đầu Công nguyên đến năm 1975 (xuất bản năm 2010) và cuốn Mỹ thuật và kiến trúc Việt Nam truyền thống (xuất bản năm 2019).
Ngoài kiến thức về kim tướng học, kiến trúc điêu khắc hay cổ tiền học thì PGS Hoàng Văn Khoán còn quan tâm đến các lĩnh vực thương nghiệp hay khảo cổ học thực nghiệm. Từ mối quan tâm này, ông đã thực nghiệm lại việc đúc lại lưỡi cày đồng Cổ Loa và tiến hành cày thực nghiệm trên nhiều loại ruộng khác nhau. Kết quả thực nghiệm chứng minh hoàn toàn chắc chắn công dụng của loại hình hiện vật mà trước đó các nhà khảo cổ học còn đang lúng túng không biết gọi là lưỡi cày hay lưỡi cuốc. Cũng từ kết quả này, PGS Hoàng Văn Khoán khẳng định ở Việt Nam đã xuất hiện nông nghiệp cày có lưỡi bằng kim loại và sức kéo bằng động vật.
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam bắt đầu làm việc với PGS Hoàng Văn Khoán từ năm 2015. Ông đã trao tặng hơn 1000 tài liệu, hiện vật cho Trung tâm, trong đó có nhiều bản thảo bài viết, bản thảo sách, giáo án và những hiện vật gắn liền với quá trình nghiên cứu khoa học, giảng dạy của ông.
Những tài liệu – hiện vật này không chỉ phản ánh cuộc đời và sự nghiệp của PGS.TS Hoàng Văn Khoán, mà còn là nguồn tư liệu có giá trị cao để tìm hiểu về lịch sử phát triển của ngành Khảo cổ học ở Việt Nam.
_____________
Kính gửi các Tòa soạn báo, Đài phát thanh, Đài truyền hình
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam xin gửi Thông cáo báo chí về cuộc tọa đàm “PGS.TS Hoàng Văn Khoán – người đi tìm bí ẩn của lòng đất”. Đây là một sự kiện có ý nghĩa trong việc nhìn nhận hành trình và đóng góp của PGS.TS Hoàng Văn Khoán trong nghiên cứu khảo cổ học ở Việt Nam.
Xin trân trọng cảm ơn các cơ quan truyền thông quan tâm sự kiện này!
GIÁM ĐỐC CHUYÊN MÔN
PGS.TS Nguyễn Văn Huy
Mọi thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Ông Lục Tiến Mạnh
Điện thoại: 0942 014 699 Email: [email protected]