Tiếp thêm niềm tin

Được trực tiếp tìm hiểu, trao đổi thông tin về những hiện vật, tài liệu quý của ba nhà Y học: Tôn Thất Tùng, Nguyễn Thúc Tùng và Nguyễn Văn Nhân tại trưng bày xoay quanh chủ đề "Khát vọng học hỏi và Sáng tạo", các nhà khoa học, gia đình các nhà khoa học, cũng như khách tham quan đã có những cảm nhận sâu sắc, thể hiện rõ niềm tin tưởng đối với công việc mà tập thể cán bộ Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã và đang thực hiện trong 6 năm qua.

Cùng nghiên cứu viên của Trung tâm tham quan, nghe giới thiệu từng tư liệu và hiện vật về ba nhà y học là những người thầy, những đồng nghiệp của mình tại Trưng bày, GS Đặng Hanh Đệ xúc động bày tỏ: “Rất cảm ơn Trung tâm đã có tâm sưu tầm các di sản của các nhà khoa học, nếu không chỉ một thời gian nữa sẽ chẳng còn ai biết những nhà khoa học này là ai. Rất cảm ơn!”.
 

GS.TS Lê Quang Long – nguyên Trưởng Bộ môn Sinh lý người và động vật, khoa Sinh học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội: “Tôi đã được tham gia vào các cố gắng của GS.VS Nguyễn Cảnh Toàn và Giám đốc Oanh để gắng tổ chức một trung tâm suy tôn các nhà khoa học với sự đỡ đầu của Ủy ban nhân dân Hà Nội – bà Ngô Bá Thành nhưng không thành công.

Nay được tiếp xúc với Trung tâm ta, tôi rất phấn khởi và cảm phục với các hoạt động của Trung tâm. Thật là khoa học và tuyệt vời. …".

Ông Nguyễn Văn Trung – con trai GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân: "Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam tổ chức cuộc trưng bày đầu tiên với chủ đề “Khát vọng học hỏi và sáng tạo” trưng bày tư liệu hiện vật của 3 nhà Y học: GS.VS Tôn Thất Tùng, GS.TS Nguyễn Thúc Tùng và cha ông chúng tôi GS.TSKH.TTND Nguyễn Văn Nhân. Đây là việc làm vô cùng ý nghĩa của Trung tâm. 

Với bản thân gia đình chúng tôi, chúng tôi vô cùng cảm động trước tấm lòng, sự tin tưởng và tôn vinh của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Gia đình, dòng họ Nguyễn chúng tôi vô cùng tự hào có một người anh, người cha, người ông cả cuộc đời mình đã cống hiến cho y học nước nhà.

Thay mặt toàn thể gia quyến của GS.TSKH.TTND Nguyễn Văn Nhân, một lần nữa xin trân trọng cảm ơn Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam”.
 

BS Nguyễn Long – em trai GS Nguyễn Văn Nhân: “Đến dự khai trương phòng trưng bày di sản của ba nhà khoa học Tôn Thất Tùng, Nguyễn Thúc Tùng, Nguyễn Văn Nhân cho thấy một sự cố gắng lớn của các bạn trong việc sưu tầm, lưu giữ, khai thác các di sản của các nhà khoa học. Rất cảm ơn và hoan nghênh các bạn".
 

PGS.TS Sử học Chương Thâu đã bày tỏ, chia sẻ cảm xúc của mình: “…Tại đây tôi đã biết rõ hơn về các đấng bậc đáng kính này, đã học tập được nhiều về con người nhân cách và sự nghiệp to lớn của các vị. Đây là một sự cổ vũ khích lệ đối với tôi. Tôi sẽ cố gắng hơn trong những năm còn lại của tuổi đời (nay tôi đã 80 tuổi) sẽ cố gắng phát huy những gì mình đã tích lũy được sẽ ghi chép lại như các vị Giáo sư đã thể hiện nhằm để lại cho các thế hệ tiếp sau làm khoa học và đam mê lý tưởng khoa học đã được xác lập.

Xin chân thành cảm ơn Trung tâm đã và sẽ tổ chức được nhiều cuộc "trưng bày" như hôm nay trên nhiều lĩnh vực Khoa học Xã hội- Nhân văn, Khoa học công nghệ khác nữa…
 

GS.TS Nguyễn Mạnh Kiểm – nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng đã để lại những dòng cảm tưởng đầy tâm huyết: “…Qua các hình ảnh và các tư liệu rất hiếm quý còn giữ được của các Giáo sư đã để lại trong tôi nhiều xúc động và tự hào của lớp ông cha đã để lại cho lớp trẻ chúng tôi sau này. Riêng đối với cá nhân tôi cũng là sự nhắc nhở về trách nhiệm lưu giữ những tài liệu và di sản các tư liệu khoa học của chính mình và các thế hệ tiếp sau…

Tôi cũng hứa sẽ noi gương các Thầy để tiếp tục có những tư liệu quý báu trong sự nghiệp khoa học chuyên ngành của mình và đóng góp cho kho tàng của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam hôm nay và mai sau.
 

Đối với GS.TSKH Trần Vĩnh Diệu, ông: “…Rất ngạc nhiên và vui mừng vì những trưng bày về các giáo sư ngành y rất có ấn tượng. Có thể nói ngành y đã có đóng góp lớn lao cho đất nước trong hai cuộc chiến chống ngoại xâm Pháp và Mỹ. Những kỷ vật và hình ảnh lưu lại hết sức có giá trị về giáo dục và truyền thống.

Giáo dục và khoa học công nghệ luôn phải có tính thừa kế nên công việc “DI SẢN” có tầm quan trọng đặc biệt hiện nay và trong tương lai...”

Niềm tin, sự chia sẻ, những lời động viên chúc mừng mang đầy ý nghĩa của các nhà khoa học và gia đình các nhà khoa học là nguồn động lực rất lớn đối với cán bộ của Trung tâm Di sản trên con đường đầy khó khăn và vinh quang: Nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản của các nhà khoa học Việt Nam.

 

Phòng Website
Trung tâm Di sản các nhà Khoa học Việt Nam