Trong buổi gặp mặt lần đầu tiên với Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, ngày 16-9-2013, Họa sĩ Nguyễn Thụ đã tâm sự về một mối tình thật sâu nặng – tình yêu của ông với một cô gái Tày, người sau này trở thành phu nhân của ông.
Năm 1955, trong đợt đi thực tế ở Bản Càng cùng nhóm sinh viên của khóa học mang tên Tô Ngọc Vân, Nguyễn Thụ khi ấy đã gặp cô gái người Tày Vi Thị Đỗ và đem lòng cảm mến ngay từ cái nhìn đầu tiên. Tình yêu của hai người chớm nở sau những buổi trò chuyện, qua những bức thư… Tuy nhiên khi biết chuyện, lấy lý do khoảng cách xa, trình độ không tương xứng… gia đình hai bên đã ngăn cản không cho hai người đến với nhau. Từ miền đồng bằng ở xã Đắc Sở, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), vượt qua những rào cản của gia đình, bạn bè, Nguyễn Thụ vẫn quyết tâm “đưa nàng về dinh” với lý do “đã mê bà ấy thì khó lay chuyển được lắm”. Có lẽ duyên phận hai người sinh ra để dành cho nhau nên như có một phép lạ, họa sĩ Nguyễn Thụ được sự ủng hộ của hai người chú họ là Ly Văn Lị và Lăng Bảo Tuấn đều là cán bộ huyện, giúp đỡ, thuyết phục gia đình hai bên. Sáng ngày mùng 3 Tết năm Mậu Tuất (1958), Nguyễn Thụ cùng với bố và hai người chú lặn lội lên Bản Càng thưa chuyện với gia đình bà Đỗ. Đúng rằm tháng Giêng năm 1958, lễ thành hôn của hai người được tổ chức trong lời chúc phúc của gia đình, bạn bè, hàng xóm.
Họa sĩ Nguyễn Thụ và bà Vi Thị Đỗ trong ngày cưới năm 1958
Họ sống với nhau bình lặng và hạnh phúc từ đó đến nay, dù trải qua bao thăng trầm vất vả. Ông bà có với nhau ba người con và trong số ấy có hai người đi theo nghề của cha, mang trong mình bầu nhiệt huyết với niềm đam mê hội họa.
Gần 60 năm đã trôi qua, họa sĩ Nguyễn Thụ vẫn không khỏi xúc động khi kể lại những kỷ niệm của một thời trai trẻ, và vẫn nhìn bà với ánh mắt đôn hậu yêu thương như ngày nào. Có lẽ từ tình yêu sâu đậm đó mà những bức tranh ông vẽ về những người phụ nữ đều mang hình bóng của bà, và chắc hẳn bóng dáng ấy còn theo ông vào tranh vẽ mãi không thôi.
Lưu Thị Thúy