"Tôi chắc chắn sẽ sống"
Chiều ngày 31-8-2021, nghiên cứu viên Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã có buổi trò chuyện với ông Lê Thanh Nghiêm – người đầu tiên được ghép thận, hoàn toàn do các bác sĩ Việt Nam thực hiện cách đây 28 năm, hiện đang sinh sống ở Phú Yên. Ca mổ ấy được PGS Tôn Thất Bách trực tiếp thực hiện.
Năm 1992, trong một lần đi khám sức khỏe, ông Lê Thanh Nghiêm được biết mình đã bị suy thận giai đoạn cuối. Thời điểm bấy giờ, ở nước ta đã thực hiện được một số ca ghép thận thành công do GS Chu Shu Lee trực tiếp chỉ đạo. Nhớ lại lúc làm hồ sơ xin ghép tạng của mình được xét duyệt, ông Nghiêm cho biết: “Tôi như được trúng số đặc biệt khi là người được chọn ghép thận. Tôi tin tưởng rằng, tôi chắc chắn sẽ sống”.
Ảnh GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng (thứ 2 từ phải) đến thăm nhà ông Lê Thanh Nghiêm, Phú Yên, 2020
Tháng 7-1993, ca ghép thận cho bệnh nhân Lê Thanh Nghiêm thực hiện thành công tại Viện Quân y 103. Người hiến thận là bà Lê Thị Như – chị gái ruột của bệnh nhân. Đến nay, sức khỏe của hai người hoàn toàn khỏe mạnh. Trong quá trình công tác sau này của mình, ông Nghiêm từng đảm nhiệm cương vị Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra tỉnh uỷ, Tỉnh uỷ Phú Yên.
Ông Lê Thanh Nghiêm tâm sự: “Tôi luôn ghi ơn các nhà khoa học đã cho tôi một cuộc sống mới. PGS Tôn Thất Bách là người trực tiếp mổ cho tôi. GS.TSKH Lê Thế Trung khi còn sống, mỗi lần vào Phú Yên đều ghé qua nhà tôi thăm hỏi. Đến nay tôi vẫn giữ liên hệ với GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, GS.TS Đỗ Tất Cường... Tình cảm của người bác sĩ với bệnh nhân rất thiêng liêng”.
Hoàng Liêm
Tin khác
- Thông báo tổ chức Tọa đàm số 7
- Những kỷ vật còn lại của TS Hoàng Như Tố
- Tiếp nhận tư liệu của PGS.TS Phạm Khắc Hiếu
- Nước ta có gang từ bao giờ?
- Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam: Hành trình 2 năm truyền cảm hứng
- GS.TSKH Lê Đức An: Trọn đời với địa lý, địa mạo Việt Nam
- Thầy giáo U90
- Cuốn sách gắn với nhà nông
- Tọa đàm Quyền và trách nhiệm đối với tài liệu lưu trữ
- Vai trò của nhà thiết kế - chủ đề tọa đàm số 6 tổ chức tại MEDDOM