Lần đầu tiên chúng tôi gặp ông vào hè năm 2015. Dù đã ngoài tuổi 80 nhưng ông còn khá nhiều trăn trở với việc nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội nói chung, triết học nói riêng. Chúng tôi từng chứng kiến những phát biểu đầy tâm huyết của ông trong các hội thảo, tọa đàm tại trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn. Ông quan niệm: triết học không khô cứng mà đẹp và mềm mại. Từ năm 1959, khi tiếp cận với triết học, ông tập trung nghiên cứu Mỹ học ở trong triết học với các bài: Mỹ học và phê bình văn nghệ, tạp chí Văn nghệ, 1963; Bản chất của cái đẹp, Thông báo Triết học, 1971… Từ năm 1973, ông chuyển sang công tác ở Ban Thông tin, sau là Viện Thông tin khoa học xã hội, nhưng ông vẫn tiếp tục đam mê nghiên cứuvới nhiều bài viết: Vai trò phương pháp luận triết học trong nghiên cứu nghệ thuật, Tạp chí Nghiên cứu nghệ thuật, 1981; Khía cạnh lý luận về triết học của con đường phát triển phi tư bản chủ nghĩa, Tạp chí Triết học, 1981… Ông đã tham gia biên tập nhiều cuốn sách dịch như: Edgar Morin – Nhập môn tư duy phức hợp, H – Tri thức, 2009, Edgar Morin – Phương pháp 6, Đạo đức học, H – Tri thức, 2012,… Tháng 2-2016, ông đã biên tập xong cuốn Triết học – Trường học của tự do, và chờ Nhà xuất bản Tri thức ấn hành.
PGS.TS Phạm Khiêm Ích trong buổi làm việc, ngày 17-6-2016
Nhìn lại bước trưởng thành của bản thân, PGS Phạm Khiêm Ích không thể quên tình thương và sự hi sinh của mẹ đã tạo nguồn động lực cho ông phấn đấu. Là con trai út trong gia đình có kinh tế thiếu thốn, nhưng mẹ và các chị đã dành sự quan tâm đặc biệt cho ông. PGS Phạm Khiêm Ích nhớ lại: Khi nấu cơm, mẹ thường chia nồi cơm thành ba lớp, mẹ ăn lớp trên cùng là khoai và sắn, các chị gái ăn lớp giữa là cơm độn khoai. Riêng tôi được mọi người nhường phần cơm trắng ở dưới cùng. Thời gian dần qua, cuộc sống vật chất đã đầy đủ, nhưng với ông, kỷ niệm ‘‘nồi cơm ba lớp’’ vẫn không phai mờ trong tâm trí.
Ngô Văn Hiển