Ngày 07-9-2013, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, GS.TS Nguyễn Thúc Tùng – một người thầy đáng kính của nền Quân y, một nhà khoa học có nhiều cống hiến của ngành Y học Việt Nam, cũng là người đồng hành với Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam ngay từ những năm đầu mới thành lập, đã trút hơi thở cuối cùng sau một thời gian điều trị căn bệnh u mật.
GS.TS Nguyễn Thúc Tùng sinh năm 1916 tại xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, là hậu duệ của một dòng họ có truyền thống khoa bảng ở xứ Nghệ với nhiều nhân vật nổi tiếng.
Từ năm 1924 Nguyễn Thúc Tùng đã được theo cha vào Phú Yên học trung học. Năm 1929, ông ra Hà Nội học tú tài Pháp tại một ngôi trường rất nổi tiếng – Trường Anbert Sarraut. Năm 1935 ông tốt nghệp tú tài và thi vào Trường Y khoa Đông Dương, ông được học nhiều nhà y học nổi tiếng của Pháp, trong đó có Giáo sư Pierre Huard. Năm 1945, ông tốt nghiệp và tham gia cách mạng. Là bác sĩ quân y, Nguyễn Thúc Tùng tham gia phục vụ nhiều mặt trận trên chiến trường Nam Trung Bộ trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp. Ông là người xây dựng và phát triển công tác Quân y ở Quân khu V từ những ngày đầu kháng chiến, và là người có công lớn trong việc xây dựng ngành Quân y Việt
GS.TS Nguyễn Thúc Tùng với các nghiên cứu viên Trung tâm năm 2010
Cuộc đời của GS Nguyễn Thúc Tùng gắn với việc xây dựng ngành Quân y ở khu V nói riêng và ngành Quân y nước ta nói chung. Không chỉ trực tiếp tổ chức việc cứu chữa thương bệnh binh trên nhiều mặt trận, ông còn là một người thầy đã đào tạo nhiều thế hệ học trò từ những lớp y tá ở khu V năm 1946 đến các Tiến sĩ Quân y sau này. Ông là một người thầy đáng kính, một biểu tượng trong ngành Quân y: dũng cảm, trung thực, nghiêm khắc nhưng giàu lòng nhân ái.
Sau khi về hưu, ông sống với gia đình ở một chung cư cũ kỹ trên đường Trần Hữu Tước. Cuộc sống hàng ngày của ông rất đỗi giản dị. Tám chín chục tuổi, chiều chiều người dân vẫn gặp ông đi dạo ở quanh hồ Hồ Đắc Di tay xách một chiếc túi, tay cầm cây gậy nhỏ đi vớt rác trên hồ, như ông nói “chỉ góp một chút nhỏ để làm cho xã hội trong lành hơn”.
Tuổi tác không làm cho khát khao chiếm lĩnh tri thức của ông giảm đi phần nào. Hàng ngày, ông vẫn đọc sách, ghi chép các thông tin thời sự về tình hình đất nước, thông tin y học, và đặc biệt, ngoài 90 tuổi ông vẫn tiếp tục học ngoại ngữ, đọc các tài liệu từ tiếng nước ngoài để bổ sung vào kho tri thức sâu rộng của mình.
Năm 2009, khi cán bộ Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đến tiếp xúc, đặt vấn đề nghiên cứu, sưu tầm tư liệu lịch sử về cuộc đời ông, ông đã vui vẻ ủng hộ hoạt động của Trung tâm. Bên cạnh tặng cho Trung tâm nhiều tài liệu quý giá, bao gồm các sổ ghi chép, các bản thảo, các kỷ vật và cả một sưu tập thư hai vợ chồng ông viết cho nhau khi ông còn tham gia kháng chiến ở miền Nam, ông còn kể cho các nghiên cứu viên nghe rất nhiều câu chuyện về cuộc đời mình.
Năm 2011, khi Trung tâm có kế hoạch tổ chức cuộc trưng bày về 5 nhà y học Việt Nam, ông đã đến thăm Trung tâm và chia sẻ ý kiến. Lúc đó, dù hơn 95 tuổi nhưng với dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, ông còn đi cầu thang lên 5 tầng nhà của Trung tâm mà giọng nói vẫn khỏe khoắn.
Cách đây vài tháng, khi đến thăm và làm việc cùng ông, nghiên cứu viên Trung tâm rất mừng vì sức khỏe của ông khá tốt. Dù tuổi cao nhưng trí tuệ còn minh mẫn và vẫn kể nhiều chuyện với chúng tôi. Khi nghe tin ông ốm, chúng tôi đến thăm, ông vẫn cầm tay nói chuyện và hẹn sau khi ra viện sẽ tiếp tục làm việc với Trung tâm vì còn một số tài liệu ông muốn gửi lại Trung tâm. Ấy vậy mà, hôm nay, ông đã ra đi
Vẫn biết “nhân sinh hữu mệnh, sinh ký tử quy”, nhưng trước sự ra đi của một nhân cách lớn thì ai cũng ngậm ngùi thương tiếc. Xin được kính cẩn thắp một nén hương tiễn đưa anh linh GS Nguyễn Thúc Tùng về với “thế giới người hiền”.
Bùi Minh Hào
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt