Vĩnh biệt GS.NGND Nguyễn Đăng Mạnh
Đúng 17 giờ 10 phút ngày 9-2-2018, Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh, một nhà giáo mẫu mực, một nhân cách lớn đã về cõi vĩnh hằng. Nhận được tin dữ ngày cận Tết, chúng tôi cảm thấy buồn vô hạn, xen lẫn sự hụt hẫng vì lớp “trí thức vàng” của đất nước đang dần vắng bóng. Hôm nay, đất trời Hà Nội bỗng trở lên âm u, đột ngột chuyển mưa phùn, đúng là “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”!
GS Nguyễn Đăng Mạnh sinh ngày 18-3-1930 tại làng Quần Phương Hạ, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ông từng là Chủ nhiệm bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại, khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Hơn nửa thế kỷ gắn bó với ngành giáo dục, sự nghiệp của ông gắn liền với những nghiên cứu chuyên sâu về các quy luật của lịch sử văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến nay; các tác giả tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại, đặc biệt là phong cách các nhà văn, mô hình văn học Việt Nam hiện đại.
Năm 1960, tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ông được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy khoa Ngữ văn và cũng từ đó ông bắt đầu bước vào con đường nghiên cứu, phê bình văn học. Những công trình nghiên cứu của ông về thơ Hồ Chí Minh, văn của Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Nam Cao, Nguyễn Khải, Nguyên Hồng, Nguyễn Minh Châu... nói lên phong cách phê bình độc đáo của Nguyễn Đăng Mạnh.
Trong sự nghiệp nghiên cứu GS Nguyễn Đăng Mạnh đã cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị, trong đó phải kể đến cụm công trình đạt giải thưởng Nhà nước vào năm 2000: Nhà văn tư tưởng và phong cách, Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn, Nhà văn Việt Nam hiện đại - chân dung và phong cách.
GS.NGND Nguyễn Đăng Mạnh thăm và trao tặng tài liệu tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, 26-4-2016
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam tiếp cận nghiên cứu lịch sử cuộc đời GS Nguyễn Đăng Mạnh từ năm 2015. Đến nay, ông đã trao tặng hơn 1000 tài liệu hiện vật cùng những chia sẻ về hoạt động đào tạo và nghiên cứu cho Trung tâm lưu giữ. Mấy tháng trước, thăm GS Nguyễn Đăng Mạnh bị tai biến nhẹ tại bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô, dù tai đã nặng, giọng nói hổn hển nhưng thầy còn nhắn nhủ : “Hôm nào tôi ra Viện, cô Thúy qua tôi chơi, vẫn còn nhiều chuyện hay lắm”, ấy vậy mà thầy đã ra đi rồi!
Vĩnh biệt thầy của nhiều người thầy! Trung tâm xin thắp nén nhang cầu chúc anh linh thầy an nghỉ nơi vĩnh hằng. Tôi luôn tin rằng, dù thầy đã về miền cực lạc nhưng dấu ấn “thầy Mạnh” vẫn còn in đậm trong tâm trí nhiều thế hệ học trò, đồng nghiệp trên mọi miền Tổ quốc.
Lưu Thị Thúy
Tin khác
- Nước ta có gang từ bao giờ?
- Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam: Hành trình 2 năm truyền cảm hứng
- GS.TSKH Lê Đức An: Trọn đời với địa lý, địa mạo Việt Nam
- Thầy giáo U90
- Cuốn sách gắn với nhà nông
- Tọa đàm Quyền và trách nhiệm đối với tài liệu lưu trữ
- Vai trò của nhà thiết kế - chủ đề tọa đàm số 6 tổ chức tại MEDDOM
- Học trong lò bánh mỳ
- Người lật tìm “tử ngữ” văn chương
- Khoa học và cuộc sống