Vũ Triệu An – Hành trình Y học

  Cuộc đời GS Vũ Triệu An giống như một dòng chảy của một con sông lớn, có lúc êm ả, lúc gập ghềnh, lúc thì chảy xiết và mãnh liệt vô cùng. Sinh năm 1925, GS Vũ Triệu An đã sống và đồng hành cùng năm tháng biến động của trường Đại học Y, của đất nước qua cuộc Cách mạng tháng Tám, hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, thời kỳ khó khăn của nền kinh tế tập trung, bao cấp… Trong hành trình cuộc đời, ông luôn tiến về phía trước với một tinh thần hứng khởi, hào hứng vì khoa học, vì người bệnh, vì học trò. Còn nhớ, lần đầu tiên khi gặp GS Vũ Triệu An tại nhà riêng, tôi đã bị ấn tượng và hấp dẫn ngay bởi giọng nói trầm ấm, truyền cảm của ông. Nói chuyện một cách vui vẻ, ông đưa cho tôi tấm danh thiếp cá nhân. Tôi ngạc nhiên khi trên đó ghi dòng: GS.Luisi và tò mò hỏi. Thưa thầy, sao lại là Giáo sư. Luisi. GS An cười lớn: “Người ta là Giáo sư, Tiến sĩ, còn tôi thì Giáo sư, Lùi sĩ”. Ở tuổi 90, thật hiếm người còn giữ được tinh thần lạc quan, dí dỏm và hài hước như GS Vũ Triệu An, mặc dù đã trải qua nhiều thăng trầm trong sự nghiệp.

Ảnh GS Vũ Triệu An năm 2015

Vũ Triệu An – Hành trình y học là một cuốn sách mỏng, đúng như tên gọi của ấn phẩm này, kể những câu chuyện cuộc đời của một nhà khoa học đáng kính và hành trình y học, một hành trình gắn liền với lịch sử trường Đại học Y khoa kể từ ngày đất nước độc lập (1945), một hành trình gắn liền với sự ra đời, phát triển của bộ môn Sinh lý bệnh – Miễn dịch với những dấu ấn đậm nét. Nhưng không chỉ có vậy, cuốn sách nhỏ này còn mang trong mình những bối cảnh, tiếng nói lịch sử, tiếng nói của những con người cụ thể đặt trong mối quan hệ với chủ nhân, như gia đình, bạn bè, thầy giáo, đồng nghiệp, học trò, v.v…

Nhiều người có thể thắc mắc, tại sao Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam lại tiến hành tổ chức, nghiên cứu và viết một cuốn sách về GS Vũ Triệu An. Như lời mở đầu của cuốn sách đã viết: “Đời người chỉ sống có một lần và mỗi người có một cuộc đời riêng. Dù dài hay ngắn, cuộc đời ấy trôi qua cũng sẽ để lại âm hưởng gì đó, lớn thì với nhân gian bao la, với quốc gia, nhỏ thì với những người sống xung quanh, hoặc chí ít với người thân, bạn bè và đồng nghiệp. Không chỉ cuộc đời của những vĩ nhân, mà cả những người bình thường nhất, ai cũng có số phận riêng gắn với bối cảnh xã hội của mình hay những câu chuyện đáng để viết lại”. GS Vũ Triệu An gắn cuộc đời mình với trường ĐH Y kể từ sau năm 1945. Lịch sử cuộc đời ông là một phần lịch sử của trường ĐH Y, một phần lịch sử bộ môn Sinh lý bệnh – Miễn dịch. Chúng tôi luôn quan niệm rằng, lịch sử được viết nên bởi những con người cụ thể, những người góp mặt trong dòng chảy ấy, kể cả những người nổi tiếng và những người bình thường nhất, huống chi ông là một người đã đặt những dấu ấn quan trọng trên hành trình của mình.

TS Nguyễn Thanh Hóa – đại diện tác giả cuốn sách chia sẻ thông tin về quá trình viết sách tại buổi lễ ra mắt ấn phẩm, ngày 8-12-2020

Ngược thời gian trở lại 10 năm về trước, GS Vũ Triệu An đã trao tặng toàn bộ di sản tư liệu cuộc đời mình cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Di sản ấy bao gồm các bản thảo viết tay, đánh máy về các vấn đề chuyên môn, các bản kế hoạch – báo cáo tổng kết của bộ môn, các bản đề cương hoạt động chuyên môn, sinh hoạt học thuật, các tài liệu cá nhân, giấy chứng nhận, các cuốn sách, tạp chí… Những dữ liệu ấy không chỉ liên quan đến GS Vũ Triệu An, mà còn liên quan đến rất nhiều người khác, đến bộ môn, đến trường Y.

Nhưng thật khó khăn khi bắt tay vào viết ấn phẩm này. Khi Giáo sư còn khỏe thì vẫn còn bận rộn với công việc, khi Giáo sư đã yếu, chúng tôi mới có thời gian để nghe ông kể chuyện cuộc đời mình. Và như nhiều nhà khoa học khác, ông vẫn luôn từ chối khi được đề nghị kể về mình. Chúng tôi rất thiếu các dữ kiện lịch sử để có thể lên đề cương cho cuốn sách này. Mặc dầu vậy, những thôi thúc viết về một nhân vật lịch sử như GS Vũ Triệu An không làm chúng tôi nản lòng. Rà soát lại toàn bộ những tư liệu của Giáo sư được lưu trữ ở Trung tâm, chúng tôi phân ra các loại hình khác nhau: tài liệu cá nhân, chuyên môn, liên quan đến bộ môn, gia đình… kết hợp với các tài liệu ở Trung tâm lưu trữ Quốc gia 3, tài liệu lịch sử của bộ môn, trường Y… đặc biệt thông qua ký ức của những người đã từng làm việc với GS An như: GS Nguyễn Ngọc Lanh, GS Phan Thị Phi Phi, GS Văn Đình Hoa, TS Nguyễn Văn Đô, GS Nguyễn Văn Nguyên, GS Đỗ Trung Phấn, PGS Phạm Đăng Khoa, PGS Nguyễn Thị Vinh Hà, đã cho phép chúng tôi phác họa những nét cơ bản chân dung cuộc đời của GS Vũ Triệu An.

Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tư liệu lịch sử và ký ức của nhân chứng lịch sử là cách mà chúng tôi đã làm khi thực hiện cuốn sách này. Để tìm hiểu về hoàn cảnh xuất thân, những năm tháng tuổi thơ của GS Vũ Triệu An, chúng tôi đã nhận được rất nhiều sự trợ giúp của bà Phạm Thị Vy, người đã tranh thủ mọi lúc có thể để ghi chép lại theo trí nhớ của chồng mình. Ngoài ra, gia phả họ Vũ đã giúp chính xác hóa những thông tin được kể ra. Những nguồn tài liệu văn bản, báo chí, nguồn tin của Viện Viễn đông bác cổ cũng giúp làm rõ hơn về xuất thân của ông.

Sau khi ghi tên theo học trường Y, GS Vũ Triệu An lại đăng ký vào hệ quân y, sẵn sàng hòa mình vào cuộc kháng chiến. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, ông hoạt động rộng với nhiều vai trò khác nhau, khi là một thầy giáo dạy học phổ thông, khi là một cán bộ của Văn phòng Chủ tịch Chính phủ, khi thì học ở trường y, khi tham gia các chiến dịch. Thật khó tìm thấy một đất nước nào trên thế giới lại có hình thức đào tạo sáng tạo và độc đáo như của trường Đại học Y khoa trong kháng chiến. 13 lần chuyển địa điểm, sinh viên học rồi lại đi chiến dịch, rồi lại về học. Mới năm thứ 2, thứ 3 mà sinh viên đã làm chủ nhiệm quân y ở nhiều nơi, có thể mổ các ca phẫu thuật từ dễ đến khó. Trong những năm ấy, GS Vũ Triệu An đã làm rất nhiều việc, nhưng gắn bó mật thiết với Phân viện 7, sau đó là Phân viện 5. Những tài liệu về lịch sử quân y Việt Nam, lịch sử trường Y, các bài phát biểu của GS Hồ Đắc Di, đặc biệt là thông qua lời kể của những người đã từng sống và làm việc ở Phân viện 5 đã giúp làm sáng rõ hơn về hoạt động của ông trong những tháng ấy.

Hòa bình lập lại, Vũ Triệu An trở về Hà Nội, mang theo những lo lắng và cả những sự kỳ vọng về một sự đổi thay. Ông đến gặp bác sĩ Nguyễn Thế Khánh, lúc đó là Viện trưởng Phân Viện 8 và sau đó bắt đầu cuộc hành trình lịch sử với bộ môn Sinh lý bệnh – Miễn dịch. Từ năm 1958, bác sĩ Nguyễn Thế Khánh nhận nhiệm vụ khác, bác sĩ Vũ Triệu An được GS Hồ Đắc Di tiến cử để phụ trách xây dựng bộ môn. Những bản quyết định, văn bản, danh sách cán bộ của bộ môn trong những ngày đầu phản ánh rõ nét sự khó khăn về đội ngũ cán bộ chuyên môn, cơ sở vật chất mà GS An và đồng nghiệp phải đối diện. Câu chuyện của bà Hồ Thể Lan kể lại khi phiên dịch cho chuyên gia Liên Xô sang giảng dạy những năm đầu là một chi tiết cho thấy sự giúp đỡ của nước bạn cũng như trình độ chuyên môn về sinh lý bệnh nước ta những năm ấy (xây dựng và giảng toàn bộ phần lý thuyết và xây dựng chương trình thực hành; cung cấp toàn bộ trang thiết bị thực hành môn sinh lý bệnh như máy hấp, máy li tâm, máy hút chân không). Sự xuất hiện và tham gia của các bác sĩ như Nguyễn Ngọc Lanh, Phan Thị Phi Phi, Đỗ Trung Phấn và các bác sĩ vào hành trình của bộ môn Sinh lý bệnh khiến chúng ta có nhiều cơ hội hơn để thu thập các mảng ký ức. Việc tiếp nối các câu chuyện kể, các dòng chảy ký ức của các nhà khoa học này đã tái hiện và tiếp tục không gian bộ môn Sinh lý bệnh ở các góc nhìn đa dạng mang tính cá nhân.

Nhưng có lẽ khó khăn hơn cả là việc tìm hiểu những đóng góp chuyên môn của GS Vũ Triệu An, từ những nghiên cứu đầu tiên về thực hành truyền máu đến sinh lý bệnh, về gen, các chế phẩm sinh học… v.v. Để hiểu những vấn đề ấy, không còn cách nào khác là phải đọc và nghiên cứu kỹ những cuốn sách giáo trình, bài báo, bài tham luận của GS Vũ Triệu An. Nhưng đối với những người ngoại đạo, ngoài ngành, thật khó hiểu những vấn đề y học mang tính chuyên sâu. Cách tốt hơn cả là những người nghiên cứu phải tìm đến chính chủ nhân của các cuốn sách, bài báo đó để hỏi và nghe giải thích cặn kẽ. Có thể kể đến các công trình như: Thực hành truyền máu (1962), Bài giảng sinh lý bệnh (1963), Miễn dịch học (1977), Đại cương sinh lý bệnh học (1978)…

Nhưng như vậy vẫn chưa đủ, để an toàn nhất, các vấn đề về chuyên môn được chính xác nhất, những người nghiên cứu đã tìm đến GS Nguyễn Ngọc Lanh để nhờ đọc, thẩm định, sửa chữa và góp ý. GS Nguyễn Ngọc Lanh ngoài góp ý chung về kết cấu và các nội dung khác, ông còn góp ý rất chi tiết cho các trang viết về chuyên môn, giải thích cặn kẽ các khái niệm, thuật ngữ và làm chuẩn lại các nội dung còn sai sót. Chẳng hạn như sai sót về vấn đề nghiên cứu thảo dược, sai sót khi nhận định về chế phẩm anpha fetoprotein, sai sót khi nhận định về kỹ thuật miễn dịch điện di, hoặc những nhận định mang tính chủ quan của nhóm tác giả khi không hiểu rõ nội tình sự phát triển của bộ môn Sinh lý bệnh… và rất nhiều vấn đề khác. Tựu trung lại, GS Nguyễn Ngọc Lanh đã góp ý, sửa chữa ít nhất 3 lần cho ấn phẩm này.

Chúng ta thấy rằng, ký ức, hồi ức của các nhân chứng là rất quan trọng để hoàn thành ấn phẩm này. Nhưng ký ức ấy phải được kiểm chứng một cách tỉ mỉ, thông qua việc so sánh với các lời kể khác, đối chiếu với các tư liệu thành văn. Chỉ có kiểm chứng, đối chiếu nhiều tài liệu, ký ức khác nhau mới giúp chúng ta tiệm cận được với sự thực khách quan.

Có những chi tiết, khi được nghe đến càng làm cho chúng tôi cảm thấy thích thú. Khi chuẩn bị lập gia đình với bà Phạm Thị Vy, ông nhận về nhiều lời đàm tiếu, can ngăn vì bà Vy là con tư sản, nhưng ông quả quyết: "Các anh buồn cười nhỉ, tôi lấy vợ cho tôi chứ có lấy vợ cho Đảng ủy đâu!”

Trong quá trình hoàn thiện bản thảo, có ý kiến cho rằng không nên đề cập việc GS Vũ Triệu An không phải đảng viên, hoặc vì không phải đảng viên nên gặp những khó khăn trong quá trình làm việc. Hoặc cũng có ý kiến cho rằng không nên đề cập tới chi tiết ông lấy vợ là con tư sản, gia đình có người thân hoạt động cho quân đội Việt Nam Cộng hòa. Chúng tôi rất băn khoăn với điều ấy và đã tham khảo ý kiến gia đình và các nhà nghiên cứu lịch sử khác. Các nhà khoa học đều cho rằng những chi tiết ấy chẳng phải là vấn đề gì to tát, vì nó vốn là sự thực lịch sử đã diễn ra một cách khách quan, phản ánh nhận thức, ứng xử của con người ở những thời điểm cụ thể. Lịch sử đã diễn ra như vậy, tại sao chúng ta lại phải lãng quên nó. Chúng ta viết ra và kể những câu chuyện không phải để oán trách lịch sử mà chỉ đề cập đúng với những gì nó đã diễn ra và đó cũng là một bản sắc riêng của GS Vũ Triệu An.

Cũng trong quá trình ấy, chúng tôi được nghe những câu chuyện kể thú vị, vừa dí dỏm, hài hước nhưng cũng thể hiện tính cách trung thực, thẳng thắn, không ngại va chạm của GS Vũ Triệu An. Khi cuộc cải cách ruộng đất và sự kiện xử tử bà Nguyễn Thị Năm diễn ra, một lần được gặp ông Trường Chinh ở Phân viện 5, ông đã không ngần ngại nói với Tổng bí thư rằng: Khẩu hiệu “phóng tay phát động quần chúng là sai”. Sau khi Hiệp định Giơ ne vơ được ký kết, ông được phân công ở lại trông nom phân viện cùng với mấy cán bộ khác. Nhưng công việc rồi cũng hết, không biết phải làm gì, trong khi đã chớm bị bệnh lao phổi, chỉ nặng có 44kg. Ông quyết định trở về Hà Nội, mặc cho những thách thức có thể chờ đón. Tìm đến gặp Thủ trưởng cũ là bác sĩ Nguyễn Thế Khánh, ông thẳng thắn: “Một là xếp chỗ làm việc cho tôi, hai là cho tôi xuất ngũ”. Tất nhiên là bác sĩ Nguyễn Thế Khánh đã nhìn thấu khả năng, vai trò và đã sắp xếp công việc hợp lý cho ông.

Năm 1965, máy bay Mỹ ném bom Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc, trường y được lệnh sơ tán. Bộ môn Sinh lý bệnh được lệnh phải mang toàn bộ trang thiết bị lên Bắc Thái, nhưng GS Vũ Triệu An thì cho rằng: máy móc mang lên Bắc Thái thì hỏng hết, do vậy chỉ mang đi một số ít, những máy móc quan trọng vẫn để ở Hà Nội và tiếp tục nghiên cứu. GS Nguyễn Ngọc Lanh kể rằng: “Thầy bảo đằng nào đem đi cũng hỏng, nên kệ. Thầy chịu tội cho tất cả”. Trong những năm tháng bao cấp khó khăn, nhà khoa học hay dân thường thì cũng phải chạy ăn từng bữa, GS Vũ Triệu An vẫn vui vẻ, hòa đồng với các đồng nghiệp, học trò tăng thêm thu nhập. PGS Nguyễn Thị Vinh Hà kể lại câu chuyện khiến chúng tôi cười ra nước mắt, khi năm ấy bà ngồi sau xe thầy An để chở đá đến trường bán: “Thấy thầy đi nhanh và lạng lách, học trò nhắc thì thầy chỉ nói thật to: Lái xe ôtô còn hỏi tôi là không sợ chết à? Tôi nói với họ rằng sống còn chả sợ, chết thì sợ gì!”.

Và còn nhiều câu chuyện vui, dí dỏm khác, tất cả làm nên tính cách một Vũ Triệu An thẳng thắn, trung thực, tận tụy trong công việc và khoa học.

Vũ Triệu An – Hành trình y học không phải là một cuốn sách viết ra để tôn vinh GS Vũ Triệu An – mặc dù đó là một người rất đáng để tôn vinh. Cuốn sách này đã cố gắng viết lại những câu chuyện, hành trình của một cá nhân trong dòng chảy cuộc đời, dòng chảy khoa học của bộ môn Sinh lý bệnh – Miễn dịch, trường ĐH Y Hà Nội. Và trong dòng chảy ấy, chúng ta đã bắt gặp những tiếng nói quan trọng khác, trong đó có cả những người kế cận vai trò chủ nhiệm bộ môn của GS Vũ Triệu An là GS.TS Văn Đình Hoa, PGS.TS Nguyễn Thị Vinh Hà, PGS.TS Phạm Đăng Khoa, TS Nguyễn Văn Đô và những nhà khoa học gạo cội khác như: GS Nguyễn Ngọc Lanh, GS.TSKH Phan Thị Phi Phi, GS Nguyễn Văn Nguyên, GS Đỗ Trung Phấn, GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng… tất cả họ đều có những vai trò, dấu ấn khác nhau, được quy định bởi bối cảnh lịch sử, xã hội ở những thời điểm khác nhau.

Nguyễn Thanh Hóa